08:20 06/08/2015

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 21 dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

* Phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 21 dự án luật, pháp lệnh

Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 21 dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Về cơ quan chủ trì soạn thảo và thời hạn trình các dự án được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, Thủ tướng Chính phân công Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo Pháp lệnh quản lý thị trường, trình Chính phủ vào tháng 10/2015. Luật biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ vào tháng 11/2015.

Thủ tướng Chính phủ cũng phân công các Bộ chủ trì soạn thảo 17 luật, 2 pháp lệnh thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Trong đó, Bộ Công an chủ trì soạn thảo 3 Luật gồm Luật Cảnh vệ, Luật quản lý, sử dụng vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Công an xã. Các dự án luật này sẽ trình Chính phủ lần lượt vào các tháng 10/2015 và tháng 6, 7/2016.

Luật quản lý ngoại thương do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ vào tháng 5/2016. Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo Luật đường sắt (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 6/2016.

Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ vào tháng 7/2016. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo 2 pháp lệnh: Pháp lệnh giống cây trồng (sửa đổi), Pháp lệnh giống vật nuôi (sửa đổi) và Luật Thủy lợi...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 phải tập trung thời gian, nguồn lực để bảo đảm tiến độ và chất lượng soạn thảo các dự án trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua; chủ động phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.

Hàng quý, cơ quan chủ trì soạn thảo gửi báo cáo về tình hình soạn thảo các dự án đã được phân công (trong đó, nêu rõ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình soạn thảo; đề xuất, kiến nghị các biện pháp khắc phục) đến Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án luật, pháp lệnh phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ.

Đối với các dự án luật, pháp lệnh liên quan trực tiếp đến việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi xin ý kiến của Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những định hướng lớn xây dựng luật, pháp lệnh, nhằm bảo đảm cụ thể hóa, thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp trước khi trình Chính phủ cho ý kiến.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định kịp thời các dự án luật, pháp lệnh theo quy định tại Điều 36 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, tập trung thẩm định về mục đích, yêu cầu ban hành, phạm vi điều chỉnh, các chính sách của dự án luật, pháp lệnh và mối quan hệ giữa các luật, pháp lệnh có liên quan, đánh giá quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo luật, pháp lệnh. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự liệu đủ thời gian để chỉnh lý và nghiêm túc tiếp thu hoặc giải trình các ý kiến thẩm định đối với các dự án.

Trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, đề nghị không quy định giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư liên tịch để bảo đảm sự phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

* Điều chỉnh phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước tỉnh Thái Nguyên

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cổ phần hóa Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, giai đoạn 2016 - 2020.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Nguyên xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc theo quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BNNPTNT ngày 27/1/2015 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước cần giữ cổ phần chi phối; chuyển phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc diện địa phương cần giữ quyền quản lý về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định.

TTXVN/Tin Tức