08:17 20/08/2012

Chết vì say... núi cao

Say núi cao là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm bởi nó có thể xuất hiện đột ngột và nếu không được điều trị kịp thời có thể gây phù phổi cấp, bệnh não cấp tính, hôn mê và tử vong.

Say núi cao là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm bởi nó có thể xuất hiện đột ngột và nếu không được điều trị kịp thời có thể gây phù phổi cấp, bệnh não cấp tính, hôn mê và tử vong.

Nguyên nhân dẫn đến say núi có thể do thay đổi môi trường đột ngột như khi bạn tham dự các tour du lịch hay những chuyến công tác phải lên các vùng núi cao trên 2.000m, do thiếu thời gian rèn luyện để thích nghi với khí hậu, lại hao tốn sức lực khi leo núi.

Chóng mặt, khó thở

 

Chú ý đến sức khỏe khi lên cao để tránh say núi.


 
Say núi cao là hiện tượng thiếu oxy cấp khi leo lên núi cao. Khả năng chịu đựng thiếu ôxy của mỗi người khác nhau, những người thể lực kém, thiếu máu... có nguy cơ say núi cao. Nguy hiểm của thiếu oxy cũng phụ thuộc vào độ cao và các yếu tố: mệt mỏi thể chất, lạnh hoặc nắng nóng. Khi lên cao trên 3.000m, sẽ thấy các dấu hiệu thiếu oxy bắt đầu xuất hiện: hưng phấn thần kinh, trạng thái kích thích, khoan khoái, hay cười nói... Lên cao trên 4.000m dấu hiệu rõ rệt hơn, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi thất thường, kém trí nhớ, khó thở, tím tái, rối loạn hô hấp... Độ cao 6.000m là giới hạn cuối cùng mà con người có thể chịu đựng được.

Tùy sức khỏe mỗi người, cường độ vận động và tốc độ lên cao nhanh hay chậm mà có thể gặp các rối loạn như: đau đầu, uể oải, buồn ngủ, chóng mặt, rét run, buồn nôn và nôn, khó thở và tím tái. Tiếp sau là bừng đỏ mặt, dễ kích thích, khó tập trung, chóng mặt, ù tai, rối loạn thị lực và thính lực, chán ăn, mất ngủ, khó thở tăng, yếu khi gắng sức, đau đầu tăng, nhịp tim nhanh, thở nhanh ngắt quãng, sút cân và dẫn đến phù phổi.

Khẩn trương hạ thấp độ cao

Ngoài phù phổi cấp, say núi còn dẫn đến bệnh não cấp tính, thường xảy ra ở độ cao trên 2.500m, hay gặp ở những người chưa thích nghi. Các triệu chứng do thiếu ôxy và phù não gồm: đau đầu dữ dội, lú lẫn, mất thăng bằng loạng choạng, mất tập trung, buồn nôn và nôn, co giật có thể tiến triển đến hôn mê. Khoảng 50% bệnh nhân bị phù gai thị và xuất huyết võng mạc. 

Với những người chưa thích nghi và ở độ cao trên 4.500m, cũng có thể bị say núi bán cấp. Các triệu chứng giống như những triệu chứng say núi cấp tính nhưng kéo dài hơn và nặng hơn. Có thêm các dấu hiệu mất nước, khô da và ngứa. 

Việc điều trị phải tiến hành ngay ở hiện trường, cho bệnh nhân nghỉ ngơi ở tư thế đầu nâng cao, thở ôxy đến khi bệnh nhân hồi phục hay có thể đưa xuống độ cao thấp hơn. Khi có các triệu chứng hô hấp phải nhanh chóng cho bệnh nhân nghỉ ngơi và tăng lưu lượng ôxy để ngăn ngừa phù phổi.
Với một số người sống trên vùng cao mà mất khả năng thích nghi, có thể mắc bệnh say núi mạn tính. Dấu hiệu bệnh là chứng ngủ gà, ức chế tâm thần, thiếu ôxy máu, tím tái, ngón tay hình chùy. Các triệu chứng sẽ mất đi khi bệnh nhân trở lại vùng thấp ngang mực nước biển.

Để phòng bệnh, những người leo núi cần chuẩn bị điều kiện thể lực tối ưu trước chuyến đi, lên cao dần dần để thích nghi và nghỉ ngơi từ 1-2 ngày sau khi đến được độ cao. Người leo núi ở độ cao trên 3.000m cần mang theo thiết bị cung cấp ôxy. 
 


Theo Baodatviet.vn