01:07 17/01/2013

Chết bò mới lo chống rét

Thông thường, cứ vào đầu mùa rét, ngành nông nghiệp đều chỉ đạo các địa phương có biện pháp bảo vệ đàn gia súc. Tuy nhiên, thực trạng hàng nghìn con trâu, bò, dê, ngựa chết vì rét mỗi năm cho thấy, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn gia súc chưa tới nơi tới chốn và kém hiệu quả.

Cái rét cắt da cắt thịt những ngày vừa qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến hàng trăm, hàng nghìn con trâu bò bị chết rét. Danh sách những người “bạn của nhà nông” không trụ nổi bởi thời tiết khắc nghiệt cứ ngày một dài thêm; nó tỷ lệ thuận với nỗi đau của những hộ nghèo, bởi với họ con trâu (bò) “là đầu cơ nghiệp”. Trâu bò chết, có nghĩa cuộc sống của họ vốn đã khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn. Còn với sản xuất nông nghiệp, trâu bò chết có nghĩa sức kéo giảm, năng suất lao động giảm, cũng là thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi.

Thông thường, cứ vào đầu mùa rét, ngành Nông nghiệp đều chỉ đạo các địa phương có biện pháp bảo vệ đàn gia súc. Tuy nhiên, thực trạng hàng nghìn con trâu, bò, dê, ngựa chết vì rét mỗi năm cho thấy, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn gia súc chưa tới nơi tới chốn và kém hiệu quả. Theo thống kê sơ bộ, hơn 10 ngày qua, riêng hai tỉnh Cao Bằng, Lào Cai đã có gần 300 con gia súc bị chết rét (trâu, bò, ngựa, dê). Một số địa phương vì sợ trách nhiệm nên đã đổ lỗi cho các hộ gia đình quá chủ quan, thiếu quan tâm đến việc bảo vệ đàn gia súc, việc làm chuồng trại kín gió và không chuẩn bị đủ thức ăn dự trữ trong những ngày thời tiết giá lạnh.
Nhận xét như vậy có vẻ không khách quan. Chỉ có người dân, những chủ nhân của những con trâu bò xấu số mới hiểu được nỗi đau, sự mất mát khi phải chứng kiến đàn gia súc của mình chết rét mà không có cách nào cứu nổi. Trâu bò chết rét do chuồng trại trống trải, thiếu thức ăn dự trữ,… thì đâu phải hoàn toàn do lỗi của người chăn nuôi. Chuyện trâu bò chết rét không phải chỉ riêng năm nay, mà gần như đã thành quy luật. Cứ khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài là ở các tỉnh miền núi lại phải đối mặt với nguy cơ trâu bò bị chết rét. Nhưng việc phòng chống rét cho trâu bò hầu như chỉ phó mặc cho hộ chăn nuôi, vai trò của các cấp chính quyền địa phương rất mờ nhạt. Thực tế cho thấy, địa phương nào có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, thì ở đó thiệt hại về đàn gia súc giảm đáng kể. Ai cũng hiểu rằng, phần lớn các hộ chăn nuôi ở địa bàn miền núi hoàn cảnh kinh tế đều khó khăn. Cái khó bó cái khôn, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, đâu dám nghĩ chuyện gây dựng chuồng trại cho đủ ấm, rồi cả việc dự trữ thức ăn cho gia súc.


Do vậy, rất cần sự hỗ trợ về vật chất (thức ăn, thuốc phòng bệnh gia súc, vật liệu làm chuồng trại) của chính quyền địa phương; rất cần sự sâu sát của ngành nông nghiệp trong việc hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách phòng chống rét cho trâu bò. Dấu hiệu tích cực là đợt rét vừa qua, một số địa phương đã sớm thành lập đoàn kiểm tra về công tác phòng chống rét cho trâu bò, qua đó chấn chỉnh tình trạng quan liêu của cán bộ cơ sở, sự chủ quan của người dân về công tác này. Một số địa phương (như Yên Bái) còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn gia súc; thông báo kịp thời diễn biến thời tiết, khí hậu đến từng hộ dân... đã hạn chế đáng kể thiệt hại về đàn gia súc.


Với diễn biến thời tiết như hiện nay, thì nguy cơ gia súc chết rét là rất lớn. Nếu tiếp tục chủ quan và không có các biện pháp quyết liệt chống rét cho đàn gia súc, e rằng hậu quả sẽ thật khó lường. Bởi thế, thay vì đổ lỗi cho các hộ chăn nuôi, các cơ quan có trách nhiệm, các ngành, địa phương, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực về vật chất, cần coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể cho người chăn nuôi cách chống rét hiệu quả cho đàn gia súc, tránh để “chết bò mới lo chống rét”.


Yến Nhi