03:16 04/03/2016

Chèo lái đội tuyển quốc gia

Cuối cùng, chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nam quốc gia đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trao cho HLV Nguyễn Hữu Thắng (cựu HLV CLB Sông Lam Nghệ An).

Đảm nhận chèo lái đội tuyển quốc gia vào thời điểm hiện tại, nhiều người cho rằng, HLV người xứ Nghệ hết sức dũng cảm. Bởi bóng đá Việt Nam hiện đang sa sút trên nhiều phương diện, từ khâu đào tạo trẻ cho đến hệ thống các giải đấu, chất lượng cầu thủ cũng không còn được như trước…

Dù có thế nào, đội tuyển quốc gia vẫn là “gương mặt” đại diện cho một nền bóng đá, thế nên, VFF thận trọng trong việc chọn HLV trưởng đội tuyển quốc gia cũng có thể hiểu được.

Với vai trò “đứng mũi chịu sào”, VFF đã đưa ra một số định hướng về việc chọn người, trong đó nhấn mạnh đến tiêu chí chuyên môn, có uy tín, giải quyết được các vấn đề đặt ra đối với lối chơi của đội tuyển. Đặc biệt, phải tập hợp được sức mạnh của các câu lạc bộ, các cầu thủ giỏi, nghĩa là phải kêu gọi được sự đoàn kết, nhất trí cao. Với lý lẽ như vậy, VFF đã mời rất nhiều HLV ứng cử vào chiếc ghế cao nhất của đội tuyển quốc gia.

Điểm mặt, có nhiều huấn luyện viên lọt vào tầm ngắm của VFF. Ngoài Nguyễn Hữu Thắng, một số tên tuổi khác cũng được VFF đặt lên “bàn cân”, như Lê Huỳnh Đức (HLV CLB Đà Nẵng), Hoàng Anh Tuấn (Khánh Hòa), Phan Thanh Hùng (cựu HLV CLB Hà Nội T&T)… Đó là những HLV có nhiều kinh nghiệm làm việc ở cấp câu lạc bộ cũng như đội tuyển quốc gia. Quan trọng là họ dám nói, dám làm, đặc biệt là rất tâm huyết với bóng đá. Với HLV Nguyễn Hữu Thắng, ngoài cái uy với cầu thủ, các câu lạc bộ dưới sự dẫn dắt của người cầm quân này đều có lối chơi uyển chuyển, cống hiến. Huấn luyện viên người xứ Nghệ không giấu giếm tham vọng xây dựng đội tuyển Việt Nam có lối chơi giống Barca! Tức là chơi bóng kỹ thuật và tư duy hiện đại. Theo anh, một đội bóng muốn thành công thì phải xây dựng được lối chơi có bản sắc và bản sắc ấy phải dựa trên tố chất của cầu thủ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong số đó, không phải ai cũng sẵn sàng gật đầu, bởi rất nhiều lý do. Ngoài công việc và thu nhập ổn định ở câu lạc bộ, một số HLV cho rằng, ở cương vị “thuyền trưởng” đội tuyển quốc gia, họ luôn phải chịu áp lực từ thành tích, không được toàn quyền quyết định các vấn đề của đội tuyển; bởi vậy nguy cơ sụt giảm uy tín cá nhân rất lớn, trong khi VFF luôn thiếu nhất quán trong cách quản lý, điều hành.

Với những lý do vừa nêu, dư luận ngầm hiểu, không phải ai cũng muốn ngồi vào chiếc ghế nóng nhiều áp lực và cả thị phi. Nói tìm thuyền trưởng cho đội tuyển quốc gia không đơn giản, chính là bởi những lý do như vậy! Vấn đề đặt ra lúc này đó là VFF cần có tầm nhìn dài hạn, tập trung vào việc triển khai chiến lược phát triển bóng đá nước nhà, để lấy đó làm điểm tựa cho đội tuyển quốc gia.
Yến Nhi