09:07 14/09/2020

Chen Wei - 'Nữ tướng' chương trình vaccine COVID-19 của Trung Quốc

Chen Wei là một trong bốn cá nhân được vinh danh tại buổi lễ tôn vinh các nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 được tổ chức Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Chen Wei, người đi đầu trong nỗ lực nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa COVID-19 tại Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Khi bộ phim hành động “Chiến lang 2” (Wolf Warrior 2) lập kỉ lục về doanh thu tại các phòng vé Trung Quốc năm 2017, có một nhân vật ít nổi bật nhưng bất ngờ tạo ra ấn tượng mạnh đối với khán giả. Đó là một nhà khoa học quân sự có công lớn trong nghiên cứu phát triển một mẫu vaccine trị loài virus chết người đang hoành hành ở khắp châu Phi.

Một năm sau, một nhà khoa học quân sự ngoài đời thực, Tiến sĩ Chen Wei, 54 tuổi, người Trung Quốc, đã được cử sang Sierra Leone để trợ giúp quốc gia châu Phi này trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola, cũng với một loại vaccine thực. Sự khác biệt duy nhất giữa hai nhân vật nằm ở chỗ Tiến sĩ Chen là phụ nữ. 

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Lan Khê (Lanxi), tỉnh Chiết Giang, Chen Wei tốt nghiệp đại học Chiết Giang chuyên ngành hóa học năm 1988, sau đó theo học cao học tại Đại học Thanh Hoa. Năm 1992, bà gia nhập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trở thành chuyên gia nghiên cứu virus tại Học viện Quân Y. 

Đến năm 2013, Chen Wei được bầu làm Đại biểu Quốc hội Trung Quốc, đại diện cho PLA. Hai năm sau, bà được phong hàm thiếu tướng. Năm 2018, bà được bầu làm Ủy viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Toàn quốc (Chính hiệp) Trung Quốc. 

Tên tuổi của của Thiếu tướng Chen Wei trở nên nổi bật sau khi đảm nhận cương vị trưởng nhóm phát triển mẫu vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên tại Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy cụm từ khóa hashtags và các dòng chia sẻ liên quan đến nội dung #China's first coronavirus vaccine approved for clinical trials# (#Vaccine đầu tiên của Trung Quốc được cấp phép thử nghiệm lâm sàng#) đã nhận được 520 triệu view, cùng hơn 127.000 bình luận trên nền tảng mạng xã hội Weibo. 

Tiến sĩ Chen được triệu tập và điều động tới Vũ Hán, tâm dịch COVID-19 tại Trung Quốc chỉ đúng một ngày sau Tết âm lịch 2019 – dịp nghỉ lễ lớn nhất tại Trung Quốc. Bà và các đồng nghiệp trong đội nghiên cứu ngay lập tức lao vòng phòng thí nghiệm dã chiến để thực nghiệm nghiên cứu và xét nghiệm. 

Trong những ngày đầu, nhóm nghiên cứu của bà Chen đi vào nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 bằng huyết tương – một liệu pháp sau đó được thừa nhận chính thức. Sau đó, nhóm chuyển sang nghiên cứu, phát triển vaccine. Đúng 50 ngày sau, mẫu vaccine đầu tiên do Trung Quốc phát triển đã sẵn sàng để đưa vào thử nghiệm lâm sàng. 

“Khoác lên mình bộ quân phục đồng nghĩa với cống hiến tất cả vì công việc. Và tôi muốn mang tất cả sức lực, trí tuệ của mình tới phòng thí nghiệm, đem lại hy vọng cho mọi người đang sinh sống ở những khu vực bị virus hoành hành”, Tiến sĩ Chen bày tỏ trong một buổi trả lời phỏng vấn truyền thông nhà nước Trung Quốc. 

20 năm gắn bó với nghiên cứu virus

Từ dịch SARS, Ebola cho tới đại dịch COVID-19, Tiến sĩ Chen đã dành phần nửa tuổi đời để chiến đấu chống lại nhiều chủng virus nguy hiểm. Khi dịch SARS bùng nổ tại Trung Quốc năm 2013, bà Chen cùng đội nghiên cứu đã nhanh chóng cô lập được virus và xác định nguyên nhân gây bệnh.

Để đánh giá tính hiệu quả của mẫu thuốc điều trị tiềm tàng nào đó, nữ tiến sĩ này đã dành 6-8 tiếng/ngày trong phòng thí nghiệm vô trùng. “Trước mỗi lần bước vào buồng thí nghiệm, tôi cố nhịn ăn, nhịn uống. Đôi khi tôi cũng đóng bỉm của người lớn cốt để có thời gian làm việc ở bên trong lâu hơn”, bà chia sẻ.

Quãng thời gian nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm kéo dài gần 6 tháng. Rất may, mẫu thuốc xịt mũi do tiến sĩ Chen và đồng nghiệp phát triển đã thành công, giúp khoảng 14.000 bác sĩ tuyến đầu an toàn trước nguy cơ lây nhiễm. 

Chú thích ảnh
Bà Chen Wei (ngoài cùng bên trái) tại buổi lễ vinvỉ danh các cá nhân trên mặt trận chống đại dịch COVID-19 hôm 8/9 ở Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh. Ảnh: CGTN

Sau dịch SARS, người phụ nữ cương trực này lại hướng sự chú tâm sang Ebola, loại virus chết người, cướp đi mạng sống của hơn 10.000 nạn nhân trên khắp thế giới. Tiến sĩ Chen đã có lần lý giải, Trung Quốc chỉ “cách” Ebola một chuyến bay xa và vì thế cần phải bắt tay hành động sớm.

Năm 2015, Chen Wei cùng một nhóm các nhà khoa học lên đường tới Sierra Leone và bắt tay vào giai đoạn hai thử nghiệm lâm sàng. Sau không biết bao ca thử nghiệm và cả những sai sót, mẫu vaccine do nhóm nghiên cứu, phát triển đã chứng minh được độ an toàn và tính hiệu quả. Ngày 19/10/2017, Trung Quốc chính thức cấp phép sử dụng cho loại vaccine ngừa Ebola do nhóm nghiên cứu của Chen Wei phát triển. 

Đến cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2, Chen Wei cũng là người đầu tiên tham gia thử nghiệm lâm sàng mẫu vaccine do nhóm nghiên cứu của bà nghiên cứu, phát triển, giống như những gì bà đã từng làm với phương pháp điều trị SARS trước đây.

Theo giới chức quân sự Trung Quốc, bà Chen là người đảm trách chính trong chương trình nghiên cứu vaccine tại Viện Virus học Vũ Hán, một phòng thí nghiệm có mức độ an toàn sinh học cao nhất. Bà được xem là nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19, nhờ kiến thức, kinh nghiệm phong phú từ các đợt dịch trước. 

Công lao, đóng góp của nữ tướng Chen Wei đã được Đảng, Nhà nước Trung Quóc ghi nhận. Tại buổi vinh danh các cá nhân trên mặt trận chống đại dịch COVID-19 hôm 8/9, bà là một trong bốn người được trao tặng những phần thưởng cao quý nhất.

Ngoài chuyên gia về bệnh hô hấp nổi tiếng Zhong Nanshan được trao tặng “Huân chương Cộng hòa”, Chen Wei cùng với nhà y học cổ truyền Zhang Boli, ông Zhang Dingyu - Giám đốc Bệnh viện Kim Ngân Đàm ở tâm dịch Vũ Hán là ba người được phong tặng danh hiệu cấp quốc gia tại buổi lễ này.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (CGTN)