12:10 28/12/2010

Chè Việt Nam cạnh tranh tại thị trường nội địa

Lễ hội Văn hóa trà lần thứ IIIđã kết thúc. Trước, trong và sau lễ hội này, ngành sản xuất chè của Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung đã đặt ra nhiều kỳ vọng phát triển sản phẩm trà của cả nước.

Lễ hội Văn hóa trà lần thứ III  đã kết thúc. Trước, trong và sau lễ hội này, ngành sản xuất chè của Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung đã đặt ra nhiều kỳ vọng phát triển sản phẩm trà của cả nước.


Tuy nhiên, trước thực tế còn nhiều hạn chế của quy trình công nghệ trồng, chế biến sản phẩm như hiện nay, để hương trà "bay cao bay xa” còn nhiều việc phải làm.

Tại cuộc hội thảo khoa học về ngành chè (26 – 27/12) trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa trà lần III tại Lâm Đồng, Cục Trồng trọt (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp hội Chè Việt Nam đưa ra nhiều thông tin đáng ngại về sự phát triển của ngành chè. Hiện, Việt Nam là nước có sản lượng chè đứng thứ 5 thế giới và sản phẩm trà đã có mặt ở 110 quốc gia, vùng lãnh thổ.


Tuy nhiên, phần lớn những thị phần xuất khẩu mà ngành chè Việt Nam đã chiếm lĩnh là những thị trường “dễ tính” – chưa có yêu cầu cao về chất lượng. Ba thị trường lớn tiêu thụ chè của Việt Nam là Pakixtan (chiếm 22,48% sản lượng xuất khẩu), Đài Loan (Trung Quốc) – 13,78% và Nga là 13,28%.

Vùng chuyên canh chè thuộc huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN


Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, bài toán về giống chè đúng nguồn, đúng chất lượng; công nghệ đầu tư trồng, chế biến chè; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trồng chè, sản xuất trà thành phẩm; kiểm định chất lượng sản phẩm… đang là những vấn đề rất cần có sự đầu tư.


Qua kiểm tra mạng lưới sản xuất chè ở các vùng trọng điểm như Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Nghệ An, Lâm Đồng…, Cục Trồng trọt nhận định: Nhìn chung, sản phẩm chè Việt Nam chưa đồng đều, chất lượng chè còn ở mức trung bình, chè chất lượng cao còn chiếm tỷ lệ nhỏ, hiệu quả sản xuất chè chưa cao.


Tình trạng phát triển các cơ sở chế biến tự phát không theo quy hoạch, nhất là các cơ sở nhỏ với công nghệ thấp gây căng thẳng về nguồn nguyên liệu, dẫn đến không chú trọng chất lượng nguyên liệu đầu vào. Việc kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn đối với chè cả đầu vào, đầu ra chưa được thường xuyên và chặt chẽ khiến chất lượng chè thành phẩm không ổn định, làm giảm uy tín và sức cạnh tranh của sản phẩm chè Việt Nam trên thị trường thế giới…

Để khắc phục nhược điểm này, Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch Hội khoa học Công nghệ chè Việt Nam nhấn mạnh: “Cần phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá cho ngành chè Việt Nam”.


Trong khi điều Tiến sĩ S nói chưa được triển khai rộng rãi trong nước thì rất nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ từ bên ngoài đã vào Việt Nam, tận dụng sự ưu việt về giống chè, quy trình công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại để cạnh tranh ngay trên chính đất của người Việt.


Tại huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), hàng nghìn lao động ở các nông hộ đã bỏ bê việc canh tác trên vườn chè gia đình, đi làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất chè chất lượng cao với giá thuê nhân công rất rẻ; đây thật là một thực tế không vui.

Sơn Tùng