06:17 08/06/2012

Chế tạo thành công gan người từ tế bào gốc

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tạo ra một lá gan người có chức năng từ các tế bào gốc. Thành công này mở ra hy vọng về sản xuất nội tạng nhân tạo cho đông đảo người có nhu cầu cấy ghép.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tạo ra một lá gan người có chức năng từ các tế bào gốc. Thành công này mở ra hy vọng về sản xuất nội tạng nhân tạo cho đông đảo người có nhu cầu cấy ghép.

Tế bào gốc iPS có thể lấy từ người trưởng thành, thay vì chỉ lấy từ phôi thai như tế bào gốc thường. Ảnh Internet.

 

Tờ Yomiuri Shimbun ngày 8/6 cho biết, một nhóm các nhà khoa học đã cấy các tế bào gốc cảm ứng vạn năng (iPS) vào cơ thể của một con chuột và tại đây chúng đã phát triển thành một lá gan người nhỏ nhưng hoạt động được.

 

Tế bào gốc thông thường được lấy từ các phôi thai, sau đó bị vứt bỏ, do đó kỹ thuật này vấp phải những phản ứng về khía cạnh đạo đức. Tuy nhiên tế bào iPS – có tiềm năng phát triển thành bất cứ mô cơ thể nào – lại có thể được lấy từ người trưởng thành.

 

Một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu là giáo sư Hideki Taniguchi thuộc Đại học Yokohama đã phát triển tế bào iPS ở người thành “các tế bào tiền thân”, rồi sau đó cấy chúng vào đầu một con chuột để tận dụng lưu lượng máu nuôi dưỡng lớn. Các tế bào này đã phát triển thành một lá gan có kích thước 5 mm, có thể sản sinh ra các protein ở người và phá vỡ các chất độc.

 

Tiến bộ nói trên mở ra cánh cửa chế tạo các nội tạng người bằng phương pháp nhân tạo, nhằm đáp ứng thiếu hụt rất lớn người hiến tạng.

 

Tờ Yomiuri Shimbun cho rằng, nghiên cứu của ông Taniguchi có thể là “cầu nối quan trọng giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng lâm sàng”, tuy nhiên nó đối mặt với nhiều thách thức trước khi có thể được đưa vào ứng dụng y tế. 

 

Được biết, năm 2006, hai nhóm nghiên cứu riêng rẽ, đến từ Mỹ và Nhật Bản, đã phát hiện ra các tế bào iPS.

 

 

T.H