10:17 03/10/2022

Cháy rừng là mối đe dọa mới đối với Bờ Đông nước Mỹ 

Nags Head, một cộng đồng yên tĩnh ven biển thuộc bang North Carolina, miền Đông Nam nước Mỹ, đang đối mặt với hàng loạt mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra, từ những cơn bão mạnh cho tới nước biển dâng và lũ lụt. 

Chú thích ảnh
 Hiện trường cháy rừng tại Foresthill, California, Mỹ, ngày 13/9/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo kết quả một cuộc khảo sát dân cư tại thị trấn nghỉ dưỡng ven biển này về báo cáo khả năng phục hồi của tiểu bang được công bố hồi tháng 5, gần 80% số người được hỏi cho biết họ từng bị ảnh hưởng do lũ lụt hoặc bão. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiệt độ toàn cầu gia tăng, ngoài việc hứng chịu mối đe dọa mực nước biển dâng cao, Nags Head còn đối diện với nguy cơ mới, đó là cháy rừng. 

Các bang miền Tây của nước Mỹ, trong đó có California, đang phải học cách thích ứng với các đám cháy rừng thảm khốc trong bối cảnh thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt, độ ẩm thấp và các đợt gió mạnh ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, giờ đây, các mối đe dọa tương tự đang âm thầm lan rộng trên khắp cả nước, kể cả các bang ở miền Đông vốn vẫn được cho là không có nguy cơ đáng kể.

Theo đó, North Carolina đã ghi nhận 5.151 vụ cháy đất hoang trong năm 2021, cao thứ 3 trên cả nước chỉ sau bang California và Texas. Vào tháng 3 năm nay, hàng trăm ha đất đã bị thiêu rụi tại khu vực cách cộng đồng Nags Head không xa.    

Trung tâm Cứu hỏa liên ngành quốc gia (NIFC) cho biết North Carolina hiện xếp thứ 23 trong danh sách các khu vực bị ảnh hưởng do cháy rừng trên cả nước, với 10.500 ha đã bị thiêu rụi trong năm 2021. Tuy nhiên, báo cáo hồi tháng 5 năm nay của tổ chức phi lợi nhuận First Street Foundation chỉ ra rằng bang ven biển phía Đông này và bang South Carolina lân cận là 2 địa phương chịu thiệt hại vật chất nặng nề do cháy rừng chỉ sau California và New Mexico.  

Trưởng bộ phận phân tích dữ liệu của First Street Foundation, ông Ed Kearns, nhấn mạnh nguy cơ cháy rừng đang gia tăng nhanh hơn nguy cơ lũ lụt trên toàn nước Mỹ và có khả năng sớm ảnh hưởng tới các khu vực vốn không được coi là có nguy cơ cao bị lửa đe dọa. 

Nhiệt độ toàn cầu đến nay đã tăng hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, việc sử dụng dầu mỏ, khí đốt và than đá - nguyên ngân chính khiến Trái Đất ấm lên - vẫn tiếp tục gia tăng, bất chấp các cam kết giảm phát thải.

Các nhà khoa học hàng đầu cho rằng mục tiêu giới hạn mức tăng 1,5 độ C có thể bị phá vỡ trong vòng 1 thập kỷ, và điều này có thể kích hoạt những điểm tới hạn sinh thái học "không thể đảo ngược", từ hiện tượng mực nước biển dâng do băng tan ở vùng cực cho tới nhiệt độ tăng vọt do khí metan thoát ra làm tan lớp băng vĩnh cửu. Ngoài ra, Trái Đất nóng hơn được dự báo sẽ gây nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, dẫn tới mất mùa, khiến nhiều loài sinh vật tuyệt chủng, hiện tượng di cư và gây nhiều thiệt hại trên toàn cầu.

Minh Tâm (TTXVN)