07:14 21/07/2020

Châu Phi phân tách, dự kiến đại dương mới sớm xuất hiện

Biển Đỏ và Vịnh Aden có thể sớm hợp nhất trở thành một đại dương mới của Trái Đất, trong bối cảnh châu Phi đang bị phân tách một cách đáng kể.

Chú thích ảnh
Vịnh Aden và Biển Đỏ có thể hợp nhất trong 5-10 triệu năm tới. Ảnh: Inside Arab

Theo kênh NBC News, dựa vào hình ảnh vệ tinh và các phương pháp nghiên cứu quá trình địa chất, các nhà khoa học dự đoán trong 5 đến 10 triệu năm nữa, một đại dương mới sẽ được hình thành dọc theo Thung lũng Tách giãn Đông Phi. 

Giáo sư Ken Macdonald tại Đại học California (Mỹ) giải thích: “Ba mảng kiến tạo gồm Nubian, Somali và Arab, nằm bên dưới khu vực lục địa Afar, đang dần tách rời khỏi nhau. Nước từ Vịnh Aden và Biển Đổ sẽ sớm tràn vào khu vực Afar này, tách khu vực ra khỏi Đông Phi tạo thành một ‘châu lục nhỏ riêng biệt’.”

“Với công cụ GPS, chúng ta có thể đo được tốc độ tách rời giữa các mảng kiến tạo là một vài milimet/năm”, nhà học giả Ken Macdonald nói thêm.

Theo giới khoa học, quá trình này là kết quả của sự phân tách trong 30 triệu năm qua giữa hai mảng kiến tạo Somali và Nubian nằm liền kề. Trong khi đó, mảng kiến tạo Arab vốn dĩ đã tách khỏi lục địa, tạo ra Biển Đỏ và Vịnh Aden, cũng đang có xu hướng di chuyển ra xa hơn.

Vết nứt dài 56 km xuất hiện ở Ethiopia vào năm 2005 và thực trạng núi lửa thi thoảng thức giấc là những biểu hiện rõ ràng cho thấy châu lục đang có sự dịch chuyển và phân tách.

Đối với một số nhà khoa học, quá trình này là một phát hiện thú vị. Theo Tiến sĩ Christopher Moore tại Đại học Leeds (Anh), châu Phi là nơi duy nhất trên Trái Đất các nhà khoa học có thể nghiên cứu quá trình rạn nứt lục địa để hình thành một đại dương.

Bảo Hà/Báo Tin tức