08:07 05/08/2019

Châu Phi dùng chiến thuật gì để tái cân bằng thương mại với Trung Quốc?

Các quốc gia châu Phi đang tìm cách tập trung đầu tư vào nhiều mặt hàng xuất khẩu phi tài nguyên như một nỗ lực thu hẹp khoảng cách thương mại với Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Kenya hy vọng sản xuất bơ sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: AFP

Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), tháng 6 vừa qua, hơn 50 quốc gia châu Phi đã cùng tham gia hội chợ triển lãm kinh tế và thương mại Trung Quốc-châu Phi được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Trường Sa (miền Trung Trung Quốc), với một nhiệm vụ duy nhất: tìm cách len lỏi vào thị trường khổng lồ của quốc gia châu Á này.

Trong bối cảnh lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi gấp nhiều lần lượng hàng nhập khẩu, các quốc gia châu Phi tìm cách tái cơ cấu mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh nhằm thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại lớn đang có lợi cho Trung Quốc.

Thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi tăng gấp 20 lần trong hơn 1 thập kỷ qua. Các mặt hàng của châu Phi được Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên, bao gồm dầu thô, đồng, quặng sắt, kim cương, vàng và titanium… Đổi lại, châu Phi chỉ nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng đóng gói sẵn, hàng điện tử, máy móc.

Tình trạng mất cân bằng trong thương mại châu Phi-Trung Quốc là một trong những vấn đề lớn luôn được đưa ra thảo luận trong các chương trình nghị sự khi các nhà lãnh đạo gặp mặt tại hội nghị Trung-Phi tổ chức ở Bắc Kinh năm ngoái.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa từng nêu ra những tác động kinh tế đối với "lục địa đen" khi Trung Quốc và châu Phi phối hợp để tái cân bằng cấu trúc thương mại song phương.

“Phần lớn những gì được xuất khẩu sang Trung Quốc từ châu Phi là nguyên liệu thô và sản phẩm sơ cấp, trong khi nhập khẩu lại là hàng đã thành phẩm”, nhà lãnh đạo nhấn mạnh, “Chúng tôi xuất khẩu sang Trung Quốc những gì chúng tôi khai thác từ Trái đất; Trung Quốc xuất khẩu cho chúng tôi những gì họ làm trong các nhà máy. Điều này giới hạn khả năng của các nước châu Phi trong việc khai thác toàn bộ giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và tạo công việc cho người dân đất nước mình”.

Phản ứng trước lời phàn nàn từ các quốc gia Nam Phi, Bắc Kinh ngay lập tức cam kết tăng nhập khẩu mặt hàng phi tài nguyên, cụ thể là các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp giá trị cao.

Chú thích ảnh
Các quốc gia châu Phi đang tìm cách tập trung đầu tư vào nhiều mặt hàng xuất khẩu phi tài nguyên như một nỗ lực thu hẹp khoảng cách thương mại với Trung Quốc. Ảnh: AFP

Tại Kenya, trà, hoa và cà phê là ba trong số các mặt hàng kiếm được lợi nhuận nhất trong hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, ba mặt hàng này lại không nằm trong top mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu. Thay vào đó, khai thác mỏ - một lĩnh vực chiếm phần nhỏ trong nền kinh tế Kenya – lại là mắt xích then chốt trong quan hệ thương mại hai nước. Trong tổng số 127 triệu USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Kenya năm 2017, 63% là quặng titanium và các loại khoáng sản khác.

Năm nay, một loại hoa quả có thể tạo ra sự khác biệt. Kenya – nhà xuất khẩu bơ lớn nhất châu Phi – vừa ký một thỏa thuận về an ninh thực phẩm, thực động vật cho phép quốc gia Tây Phi này xuất khẩu đa dạng nông sản như quả bơ tới thị trường Trung Quốc.

Mang nhiều lợi ích cho sức khỏe, loại trái cây trên đang giành được cảm tình từ người dân Trung Quốc. Chỉ trong 8 năm, lượng bơ nhập khẩu vào Trung Quốc tăng gấp 1.000 lần. Phần lớn bơ nhập khẩu từ Mỹ Latinh. Chính sự tăng trưởng mạnh mẽ này là điều khiến các nhà sản xuất Kenya hy vọng cạnh tranh thị phần.

“Trung Quốc hiện sẵn sàng nhập khẩu bơ đông lạnh Kenya. Hai nước đang thảo luận một thỏa thuận xuất khẩu cho bơ tươi’, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nairobi trong một tuyên bố cho biết.

Bộ trưởng Thương mại Kenya Peter Munya tiết lộ thỏa thuận sẽ cho phép Trung Quốc nhập khẩu thêm các mặt hàng như đậu đũa, hoa, thảo mộc, xoài, thịt các loại…

Kenya chỉ là một trong số 12 quốc gia châu Phi “bật đèn xanh” cho việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Tận dụng cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ còn đang căng thẳng, các nhà xuất khẩu hoa quả Nam Phi cũng đã giành được một thỏa thuận tiến vào thị trường Trung Quốc. Vào tháng 6, Nam Phi đã chuyển lô cam quýt đầu tiên sangTrung Quốc và Nhật Bản sau khi các bên đạt được thỏa thuận. Hiệp hội những người trồng cam quýt có trụ sở tại Durban ở Nam Phi cho biết họ rất lạc quan về tăng trưởng xuất khẩu cam quýt sang Trung Quốc trong tương lai.

Moritz Weigel - Giám đốc kiêm người sáng lập công ty cố vấn Trung-châu Phi trụ sở tại Đức – nhận định châu Phi nên tập trung vào việc tăng giá trị cho hàng xuất khẩu hiện có, gồm cả sản phẩm tài nguyên và phi tài nguyên.

Đối với các sản phẩm phi tài nguyên, các quốc gia châu Phi nên tập trung vào các thương hiệu, cụ thể như xuất khẩu các sản phẩm của một thương hiệu cà phê cao cấp thay vì các hạt cà phê thô.

Ngoài ra, các nhà xuất khẩu cần phải nâng cao kiến thức về thị trường tiêu dùng đang phát triển của Trung Quốc, xu hướng thị trường, sở thích của người tiêu dùng, thách thức và cơ hội thâm nhập thị trường. Các nhà sản xuất của châu Phi cũng nên phát triển một chiến lược thâm nhập thị trường cho Trung Quốc và xem xét các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn, bao gồm cả thông qua các nền tảng thương mại điện tử.

Một số thách thức mà các quốc gia châu Phi còn phải đối mặt khi sản xuất hàng sang Trung Quốc bao gồm tình trạng không nắm rõ tiêu chuẩn, quy trình để được chứng nhận bắt buộc, cũng như lỗ hổng kiến thức về văn hóa và bất đồng ngôn ngữ. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến tài chính, quy mô nền kinh tế quy mô và sự thiếu hiệu quả trong công tác hậu cần, hải quan về phía châu Phi vẫn còn tồn đọng.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức