06:17 24/06/2016

Châu Âu thất vọng về quyết định Brexit

Sau quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của người dân Anh, lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại thủ đô Berlin ngày 21/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng nượng Đức Sigmar Gabriel cùng Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier gọi đây là "một ngày đau buồn đối với châu Âu" và châu Âu thực sự vỡ mộng khi cử tri Anh ủng hộ quyết định rời khỏi châu lục.

Bộ trưởng Tài chính liên bang Đức Wolfgang Schäuble, một chính trị gia rất có uy tín thuộc đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, lại lên tiếng kêu gọi các nước thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU) cần phải đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa. Ông nhấn mạnh châu Âu phải cùng nhau tạo ra những điều tốt đẹp nhất sau quyết định của cử tri Anh, đồng thời cho biết Đức sẽ giữ liên hệ chặt chẽ với các nước trong nhóm nước công nghiệp G-7 sau vụ việc trên.

Hiện Thủ tướng Merkel đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp. Theo giới phân tích, việc Anh rời EU sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với châu lục. Giám đốc Viện Jacques Delors và là Giáo sư Trường Quản trị Hertie ở Berlin, ông Henrik Enderlein, nhận định kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Anh không phải một dấu hiệu tốt với châu Âu, và trước tiên là với Anh. Tuy nhiên, châu Âu vẫn có thể đối mặt với thực tế này.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Nghị viện châu Âu thuộc đảng CDU Elmar Brok coi quyết định của cử tri Anh là một quyết định sai lầm và là "phát súng cảnh báo" đối với 27 quốc gia EU còn lại, nhấn mạnh rằng cần phải xây dựng một châu Âu như kỳ vọng của người dân châu lục.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz hy vọng sẽ không có phản ứng dây truyền trong EU sau vụ việc ở Anh, đồng thời cho rằng các nước khác sẽ không lựa chọn đi theo con đường nguy hiểm của Anh. Ông cũng cho rằng các thể chế trong EU cần đánh giá ngay tình hình và châu Âu cần sự vững vàng trong lúc này.

Cùng ngày, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg lại cho rằng cuộc trưng cầu ý dân của Anh không chỉ là thông điệp của cử tri Anh mà còn cả nhiều cử tri của các quốc gia châu Âu khác, những người cảm thấy EU không còn đủ khả năng đối phó với những thách thức hiện nay. Còn theo Thủ tướng Hungaria Viktor Orban, EU cần phải lắng nghe tiếng nói của người dân và đây là một bài học lớn nhất.

Thủ tướng CH Séc Bohuslav Sobotka cho rằng việc Anh rời khỏi EU không phải là sự "kết thúc" của liên minh này nhưng kêu gọi EU "mềm dẻo hơn và ít quan liêu hơn". Theo ông, EU cần phải nhanh chóng thay đổi, không phải vì Anh tách khỏi EU mà vì "dự án" châu Âu cần phải có được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ người dân. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bày tỏ sự "thất vọng" về quyết định của người Anh, song cho rằng kết quả này được xem là động lực để EU tiến hành cải cách.

Thủ tướng Áo Christian Kern cho rằng sẽ không có hiệu ứng "domino" trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong EU sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, đồng thời khẳng định Áo sẽ không tổ chức sự kiện tương tự như của London. Tuy nhiên, theo ông, châu Âu sẽ mất vị thế và tầm quan trọng trên thế giới do bước đi này của Anh và những ảnh hưởng kinh tế lâu dài của việc Brexit sẽ xảy ra trong một khoảng thời gian.

Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski và lãnh đạo đảng Dân chủ và Xã hội tại Nghị viện châu Âu (EP) Gianni Pittella cho rằng đây là "tin buồn" đối với châu Âu, nhưng chưa phải là dấu "chấm hết" đối với EU.

Về phần mình, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo đã đề xuất chia sẻ chủ quyền đối với vùng lãnh thổ Gibraltar, khu vực tranh chấp giữa Anh và Tây Ban Nha, sau khi người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ rời EU, cho rằng việc chia sẻ sẽ cho phép vùng lãnh thổ này duy trì sự tiếp cận thị trường chung của EU.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso (ảnh) khẳng định chính phủ Nhật Bản “rất quan ngại” về những rủi ro đối với kinh tế thế giới do Brexit. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi người Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các lãnh đạo Nhật Bản và Australia ngày 24/6 cũng đã đưa ra những phản ứng khác nhau. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso khẳng định chính phủ Nhật Bản “rất quan ngại” về những rủi ro đối với kinh tế thế giới do quyết định rời khỏi EU của Anh (hay gọi là Brexit), đồng thời nói rằng chính phủ sẽ theo dõi tình hình này “nhiều hơn bao giờ hết” và dần thực hiện các biện pháp cần thiết để đề phòng những bất ổn.

Trong một thông cáo ra cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ - ngân hàng trung ương) Haruhiko Kuroda cho biết BOJ “sẵn sàng cung ứng đủ thanh khoản” cho các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ nhằm đảm bảo ổn định các thị trường tài chính". BOJ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao xem kết quả cuộc trưng cầu dân ý tác động như thế nào đối với các thị trường tài chính toàn cầu, cùng với việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Motoo Hayashi nhận định việc Anh rời khỏi EU cũng có thể ảnh hưởng đến những đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do giữa Nhật Bản và khối này, do đó khó có thể đạt được thỏa thuận trong năm nay.

Sau khi truyền thông địa phương đưa tin kết quả trưng cầu ý dân cho thấy chiến thắng nghiêng về phe ủng hộ Brexit, đồng yen của Nhật Bản đã tăng giá lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, với tỷ giá ghi nhận được tại trưa cùng ngày là 101,77 yen đổi 1 USD.

Các nguồn tin chính phủ cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp vào tối 24/6, với sự tham gia của Thủ tướng Shinzo Abe, Bộ trưởng Tài chính Aso và Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, để thảo luận các biện pháp nhằm ngăn chặn các cú sốc đối với thị trường. Dự kiến, cuộc họp này cũng sẽ phân tích tác động của Brexit đối với kinh tế thế giới, được cho là nhằm chuẩn bị cho khả năng hợp tác giữa các nước trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), với Nhật Bản là Chủ tịch nhóm G7 năm 2016.

Giới chức Nhật Bản cho biết thêm chính phủ dự kiến thu thập thông tin từ các đại sứ quán Nhật Bản tại các nước châu Âu và tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ cho các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại khu vực này. Khoảng 1.000 công ty Nhật Bản đang làm ăn tại Anh.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại thị trấn Devonport thuộc đảo Tasmania ở miền nam Australia, Thủ tướng nước này Malcolm Turnbull khẳng định mối quan hệ của Australia với Anh sẽ duy trì “rất mạnh mẽ và thân thiết”, đồng thời bày tỏ tin tưởng các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do với EU sẽ không bị tác động xấu bởi Brexit.

Thủ tướng Australia cho rằng sẽ có một giai đoạn biến động và một số bất ổn trên thị trường toàn cầu, nhưng nhấn mạnh “người dân Australia không cần lo lắng trước những diễn biến này”. Ông Turnbull nhận định khả năng tác động đối với các thỏa thuận thương mại của Australia “rất hạn chế” trong ngắn hạn vì Anh sẽ mất một vài năm để đàm phán rời khỏi EU.

Cùng với thị trường chứng khoán toàn cầu, thị trường Australia cũng ngập trong sắc đỏ giảm điểm khi người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, với chỉ số S&P/ASX 200 giảm gần 4% trong phiên giao dịch ngày 24/6.

TTXVN/Tin Tức