09:08 29/09/2017

Châu Âu sẽ tiếp nhận thêm 50.000 người tỵ nạn

Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch tiếp nhận ít nhất 50.000 người tỵ nạn trực tiếp từ châu Phi, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, một biện pháp nhằm hạn chế các chuyến tàu tỵ nạn vượt biển Địa Trung Hải nhiều rủi ro.

Trẻ em phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn do xung đột tại một trại tị nạn ở Bangassou, CH Trung Phi ngày 14/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Đó là thông báo của Ủy viên phụ trách nhập cư của Ủy ban châu Âu (EC) Dimitris Avramopoulos ngày 27/9. Kế hoạch này sẽ diễn ra trong vòng 2 năm tới trong khuôn khổ chương trình tái định cư của EU được triển khai nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư bùng phát từ 2015.

Đến thời điểm hiện tại, EU đã tiếp nhận 23.000 người tỵ nạn, nhiều nhất là người tỵ nạn Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, tại các trại tỵ nạn ở các nước bên ngoài khối này theo chương trình nói trên.

Theo kế hoạch nói trên, việc tiếp nhận sẽ tiếp tục diễn ra đối với người tỵ nạn từ các nước nói trên, đồng thời sẽ có chú ý hơn đến khu vực Bắc Phi và vùng Sừng châu Phi, nhất là từ Libya, Ai Cập, Nigeria, Sudan, Cộng hòa Chad và Ethiopia.

Giữa các quốc gia trong khối EU có sự khác biệt về số lượng người tỵ nạn tiếp nhận. Giai đoạn gần đây nhất, vừa kết thúc ngày 27/9, đã giải quyết được khoảng 29.000 người trong tổng số khoảng 160.000 người tỵ nạn dự kiến được tái định cư tại các nước châu Âu, nhưng phần nào giúp giảm sức ép đối với Hy Lạp và Italy.

Trong một tuyên bố khác, EC cũng cho hay đã đưa ra một kế hoạch cho phép các quốc gia trong khu vực tự do đi lại theo hiệp ước Schengen được xem xét việc tái lập các trạm kiểm soát biên giới vì các lý do an ninh trong khoảng thời gian lên đến 3 năm. Hiện tại, các nước trong khu vực hiệp ước Schengen đã có thể xem xét tái lập các trạm kiểm soát biên giới trong vòng 6 tháng vì các lý do an ninh, và kéo dài 2 năm nếu các mối đe doa có liên quan đến xâm phạm biên giới.

Một số nước, bao gồm Pháp và Đức đã lên tiếng kêu gọi kéo dài thêm thời hạn nói trên sau một loạt các cuộc tấn công khủng bố. Pháp đã tái lập các trạm kiểm soát sau vụ tấn công ở Paris tháng 11/2015.

Các trạm kiểm soát biên giới do Đức, Đan Mạch, Áo, Thụy Điển và Na Uy thiết lập vào tháng 5/2016 để kiểm soát dòng người tỵ nạn khổng lồ từ Syria và Bắc Phi sẽ phải chấm dứt hoạt động vào tháng 11 tới. Việc tái lập các trạm kiểm soát có thể gây ra các quan ngại về việc sụp đổ khu vưc đi lại tự do Schengen vốn được xem là biểu tượng về đoàn kết và tự do của khu vực này.

Nguyễn Vũ/Báo Tin Tức