03:00 31/03/2019

Châu Âu băn khoăn về quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh Brexit loạn nhịp

Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc là quốc gia được hưởng nhiều lợi nhất trong thời điểm Brexit vẫn nhập nhằng hiện nay.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) khi đến thăm Italy ngày 23/3. Ảnh: CNN

Lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã cùng tề tựu vào ngày 21/3 để bàn luận về Trung Quốc nhưng trên thực tế nội dung đối thoại lại xoay quanh Brexit.

Trong tháng 4 tới, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ đến Brussels (Bỉ) dự hội nghị thượng đỉnh cùng các nhà lãnh đạo châu Âu. Sau đó, ông Lý Khắc Cường sẽ đến Croatia dự cuộc họp với đại diện của tổ chức 16 quốc gia Trung và Đông Âu.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh ngày 21/3, Ủy ban châu Âu đánh giá Trung Quốc là đối tác mà EU cần tìm ra cân bằng về lợi ích, đồng thời là đối thủ cạnh tranh kinh tế. Việc hình thành chính sách thống nhất trong quan hệ với Trung Quốc là vấn đề then chốt của EU.

Kênh CNN (Mỹ) cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khi châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ hai của Bắc Kinh, chỉ đứng sau Mỹ.

Tuy nhiên, tồn tại bất đồng trong khối về việc tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc khi một số thành viên, trong đó có nền kinh tế "đầu tàu" Đức, ngày càng nghi ngại Bắc Kinh về an ninh và kinh tế, dù một số quốc gia khác lại ủng hộ đầu tư của Trung Quốc.

Italy là một trong những quốc gia nhiệt tình nhất với đầu tư từ Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã đích thân đến thăm Italy. Trong khi đó, Italy là thành viên đầu tiên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ký bản ghi nhớ về việc tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Lucrezia Poggetti tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator trụ sở ở Đức đánh giá việc Italy tham gia dự án “Vành đai, Con đường” không chỉ là chiến thắng về kinh tế cho Bắc Kinh mà còn có thể gây cản trở cho EU về những vấn đề then chốt trong tương lai.

Bà Lucrezia Poggetti phân tích: “Trung Quốc có xu hướng tiếp xúc riêng rẽ với các quốc gia EU thay vì cả khối. Trong mối quan hệ song phương, Trung Quốc thường có lợi thế bởi sở hữu năng lực kinh tế khổng lồ so với từng quốc gia châu Âu”.

Nhiều chính khách Anh và châu Âu cảnh báo rằng việc Anh rời EU (Brexit) có thể khiến London thành đối thủ với khối, thay vì tạo thành đồng minh như Na Uy hay Thụy Sĩ. Đầu tư và giao thương với Trung Quốc được cho là yếu tố then chốt trong cạnh tranh này.

Các chính khách Anh đã dành 33 tháng kể từ cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 để quyết định về thỏa thuận Brexit. Trong trường hợp Brexit của Anh đi đến thành công, tạo được thêm thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc, thì nguy cơ kéo theo là nhiều quốc gia châu Âu khác cũng có thể “học tập Anh”.

Các chuyên gia cho rằng điều này có thể kéo các thành viên EU xích lại gần nhau khi nhận ra cái giá của việc tương tác với đối tác mạnh như Trung Quốc một cách đơn lẻ mà không đi theo khối.

Về phần Bắc Kinh, trong một cuộc họp tại Brussels vào tháng 3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết quốc gia này ủng hộ quá trình hội nhập châu Âu, ủng hộ EU thống nhất và mạnh mẽ, đồng thời ủng hộ châu Âu đóng vai trò quan trọng hơn trong các vấn đề quốc tế”.

Hà Linh/Báo Tin tức