12:23 18/12/2013

Châu Á với thách thức già hóa dân số

Sự nới lỏng chính sách một con mới đây của Trung Quốc đã cho thấy vấn đề nhân khẩu học giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển thịnh vượng của một nền kinh tế.

Sự nới lỏng chính sách một con mới đây của Trung Quốc đã cho thấy vấn đề nhân khẩu học giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển thịnh vượng của một nền kinh tế. Khi dân số bắt đầu già hóa nhanh chóng, nhiều khu vực ở châu Á hiện có một lo ngại thực tế rằng người dân châu lục "đang trở nên già nua hơn trước khi giàu có".

Người dân châu Á đang già hơn trước khi giàu có.

Năm 2012, gần 450 triệu người, tương đương 11% dân số châu Á, ở độ tuổi từ 60 trở lên. Đến năm 2050, con số này sẽ tăng hơn gấp đôi lên hơn 1,2 tỷ người, tương đương 24% dân số châu lục, không cách bao xa so với con số tương ứng 27% của khu vực Bắc Mỹ và 34% của châu Âu. Tỷ lệ dân số già sẽ tăng nhanh ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và Ấn Độ.


Theo nhà nghiên cứu cao cấp Rafal Chomik tại Trung tâm Nghiên cứu Dân số Già hóa (CEPAR) thuộc Trường Kinh doanh Australia, chính phủ các nước châu Á nhận thức được rằng họ phải đẩy mạnh kế hoạch nâng cấp và phát triển mạng lưới y tế, để chuẩn bị cho một giai đoạn quá độ về nhân khẩu học chuyển sang một cơ cấu dân số già hơn đang ở phía trước. Dự đoán, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, các chi phí liên quan đến vấn đề già hóa dân số dự kiến chiếm ít nhất 50% tổng mức tăng trưởng ngân sách y tế của các nước châu Á. Tại Nhật Bản, tỷ lệ này dự kiến lên tới 100%.


Trong quá khứ, khi các hộ gia đình có số nhân khẩu lớn, người trẻ đóng vai trò "quỹ lương hưu" của người già, với quan niệm người trẻ sẽ chăm sóc cho các "tiền bối". Hiện nay, khi nhiều hộ gia đình ở khu vực đô thị chỉ có 1-2 con, điều này trở thành một giấc mơ xa tầm tay.


Trên thực tế, một sự đảo chiều đang diễn ra. Tại Nhật Bản, những người "con một" ở độ tuổi 20 vẫn sống cùng với gia đình được gọi là Parasite. Trong khi đó, những đối tượng vị thành niên "con một" hiện nay nhận được sự quan tâm, chăm sóc của 6 người lớn ở trong gia đình gồm ông bà nội ngoại, bố mẹ. Tuy vậy, khi cậu bé/cô bé này trưởng thành thì họ không đủ khả năng chăm sóc 4 hoặc 6 "tiền bối" của họ.


Tỷ lệ phụ thuộc người già (số người già từ 65 tuổi trở lên so với số người trong độ tuổi lao động 15-64) đang trở thành điều bất khả thi ở một số quốc gia. Hiện nay tại Nhật Bản, hai người trong độ tuổi lao động hỗ trợ 1 người về hưu. Đến năm 2050, một người trong độ tuổi lao động sẽ "gánh" 2 người về hưu. Dự kiến, vào năm 2050, tỷ lệ này của Trung Quốc sẽ là 1/1,5.


Sự thiếu hụt của hệ thống lương hưu do nguồn lực tài chính không đảm bảo là một vấn đề nghiêm trọng ở châu Á. Thậm chí ở các nước giàu như Nhật Bản, có mức thu nhập bình quân đầu người là 216.694 USD, lãi suất thấp có nghĩa là nhiều người về hưu phải đối mặt với tình trạng nguồn thu nhập thấp từ các tài sản tài chính để có thể có được một cuộc sống tiện nghi sau khi nghỉ hưu. Mức lãi suất 2%/năm của những tài sản như vậy chỉ mang lại mức thu nhập 4.300 USD/năm, không đủ để đảm bảo một cuộc sống thoải mái.


Trên thực tế, cấu trúc tài chính toàn cầu hiện nay là một sự kết hợp giữa nợ dài hạn và vốn ngắn hạn, có nghĩa là làm tăng nợ chứ không phải tăng vốn. Tuy vậy, theo các nhà phân tích, một kết cấu tài chính ổn định và hợp lý hơn cho châu Á cần bao gồm vốn dài hạn và nợ ngắn hạn. Nhiều khoản lương hưu hơn cho nhiều người hơn sẽ tạo nên một xã hội cân bằng hơn và các quỹ hưu trí dài hạn có đủ khả năng tài chính để đầu tư cho mục tiêu tăng trưởng xanh trong tương lai. Đó cũng là lý do mà nhà viết kịch Tennessee Williams đã nói rằng "bạn có thể trẻ mà không có tiền nhưng không thể già mà không có xu nào trong túi".


Anh Quân