03:06 26/03/2014

Châu Á phát triển tên lửa hành trình tốc độ cao

Việc một số quốc gia châu Á ráo riết phát triển tên lửa hành trình tốc độ cao cho thấy đây sẽ là loại vũ khí chủ lực của các quân đội ở châu lục này trong tương lai.

Việc một số quốc gia châu Á ráo riết phát triển tên lửa hành trình tốc độ cao cho thấy đây sẽ là loại vũ khí chủ lực của các quân đội ở châu lục này trong tương lai. Tuy nhiên, do công nghệ mới đòi hỏi những nguồn lực khổng lồ và những thay đổi mạnh mẽ về nhiều mặt, trong thập kỷ tới, loại tên lửa ưu việt này vẫn sẽ chỉ phục vụ như một phương tiện bổ trợ cho những tên lửa hành trình thông thường và tên lửa đạn đạo hiện có.

Tên lửa hành trình Brahmos của Ấn Độ.

Trong hai thập kỷ qua, tên lửa hành trình chủ yếu do một nhóm các nước công nghiệp tiên tiến phát triển, đặc biệt là Mỹ. Sau đó, hệ thống vũ khí này đã được quân đội các nước, trong đó có nhiều nước châu Á, sử dụng rộng rãi hơn, một phần do quá trình toàn cầu hóa đã giúp đẩy nhanh tốc độ phổ biến công nghệ và một phần do những yêu cầu về tác chiến và khả năng mua sắm thiết bị quân sự của các nước được cải thiện.


Ưu điểm chính của tên lửa hành trình là ở khả năng tấn công mục tiêu chính xác từ khoảng cách lớn trong mọi điều kiện thời tiết và tránh được hầu hết hệ thống phòng không của đối phương. Một trong những hạn chế của loại tên lửa này là tốc độ còn thấp. Tuy nhiên, với cuộc chạy đua nhằm phát triển tên lửa hành trình tốc độ cao như hiện nay, có lẽ chỉ sau một thập kỷ nữa, châu Á có thể chế tạo được những tên lửa hành trình có thể bay tới mục tiêu cách xa 1.500 km trong vòng chưa tới 30 phút.


Mặc dù đã mua tên lửa hành trình chống tàu (ASCM) nhưng hầu hết các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Hàn Quốc vẫn đang phát triển hoặc đã triển khai các loại tên lửa hành trình tấn công trên đất liền (LACM). Hầu hết các LACM hiện hữu có tốc độ bay ở mức cận âm, tức khoảng 800 km/giờ. Một số nước Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia cũng đã thể hiện sự quan tâm về loại vũ khí này. Trong khi đó, Nhật Bản lại chú trọng đến một hệ thống có khả năng đánh đòn phủ đầu.


Hiện nay, 5 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á - gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan - đã xây dựng các chương trình phát triển các hệ thống tên lửa siêu âm và siêu thanh. Các tên lửa siêu âm thường có tốc độ bay từ 1,2-5,0 lần tốc độ âm thanh và các tên lửa siêu thanh đạt tốc độ gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh.


Các thông tin gần đây cho thấy Trung tâm nghiên cứu khí động học R&D và Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia của Trung Quốc hiện đang tiến gần tới khả năng chế tạo các loại động cơ tên lửa và máy bay siêu thanh. Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cũng đang phát triển một loại động cơ phản lực tĩnh siêu âm phục vụ máy bay siêu thanh. Trong khi đó, Ấn Độ đang triển khai hệ thống LACM Brahmos dùng động cơ luồng tĩnh siêu âm, có thể bay với tốc độ gấp 2,5-2,8 lần tốc độ âm thanh và đang có kế hoạch hợp tác với Nga để phát triển Brahmos 2 siêu thanh.
Tên lửa LACM HF-3 của Đài Loan (Trung Quốc) được đẩy bởi động cơ phản lực với tốc độ tối đa gấp hai lần tốc độ âm thanh, với tầm bắn ước tính từ 150-200 km. Hàn Quốc, một quốc gia mới tham gia câu lạc bộ tên lửa hành trình, cũng đã phát triển được LACM Haeseong-2 siêu âm từ ASCM Haeseong-1.


Các nhà phân tích quân sự cho rằng với những lợi thế vượt trội về thời gian bay, động năng lớn làm tăng sức phát nổ của đầu đạn đồng thời giúp giảm tải đầu đạn, qua đó giúp mở rộng tầm hoạt động của tên lửa…, tên lửa hành trình siêu thanh đang hứa hẹn trở thành một loại vũ khí chủ lực tại châu Á. Tuy nhiên, công nghệ mới này đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu tổ chức, trong quá trình ra quyết định và trong khái niệm về tác chiến. Hơn nữa, do công nghệ này còn đòi hỏi những nguồn lực khổng lồ về kỹ thuật và tài chính cho nên trong vòng 10-15 năm tới, các nước châu Á nói chung vẫn phải dùng tên lửa hành trình siêu âm như những phương tiện bổ sung hữu hiệu hơn cho các loại tên lửa hiện có.


Minh Đức (Theo mạng tin "Quan hệ Quốc tế và An ninh")