06:18 10/06/2021

Châu Á hoan nghênh Mỹ chia sẻ vaccine giữa lo ngại vấn đề bảo quản lạnh

Giới chức và nhân viên y tế châu Á đã hoan nghênh kế hoạch chia sẻ 500 triệu liều vaccine Pfizer cho các quốc gia đang phát triển của Mỹ. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc viện trợ vaccine vẫn không đủ để thu hẹp khoảng trống tiêm chủng khổng lồ đang đe doạ kéo dài đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Ngừoi phụ nữ tiêm vaccine AstraZeneca trong đợt tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên giao thông công cộng tại Bến xe buýt Kampung Rambutan ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, trong một bài phát biểu trước khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh, Tổng thống Mỹ Joe Boden hôm 10/6 đã tuyên bố sẽ tặng 500 triệu liều vaccine Pfizer cho 92 quốc gia đang phát triển trong vòng hai năm tới. 

Theo đó, 200 triệu liều vaccine, đủ để bảo vệ cho toàn bộ 100 triệu dân, sẽ được phân phối trong năm nay, số còn lại sẽ được viện trợ trong nửa đầu năm 2022 tới. Đối tượng nhận vaccine là các quốc gia có thu nhập thấp hơn Mỹ và Liên minh châu Phi, thông qua chương trình COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.

Hiện Mỹ vẫn chưa xác nhận 92 quốc gia có thu nhập thấp hơn sẽ được nhận vaccine Pfizer.

Ông Jaehun Jung, Giáo sư Y tế dự phòng tại Đại học Y khoa Gachon, Hàn Quốc, cho biết khoản viện trợ của Mỹ có thể là “bước ngoặt lớn” trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông vẫn tiếc nuối vì sự trợ giúp này không thể đến sớm hơn.

Ngoài ra, chuyên gia cho biết nhiệt độ bảo quản lạnh cần thiết đối với vaccine Pfizer sẽ là một thách thức đối với các quốc gia có hệ thống y tế kém phát triển ở châu Á. Ông kêu gọi giới chức Mỹ và các nhà sản xuất vaccine tìm hiểu giải pháp nới lỏng các yêu cầu bảo quản nghiêm ngặt này.

“Sự chậm trễ trong việc viện trợ của Mỹ có thể hiểu được, bởi ban đầu Mỹ cũng gặp khó khăn riêng trong việc đáp ứng nguồn cung vaccine cho người dân của mình. Nhưng hiện tại, điều quan trọng là phải nhanh chóng cung cấp vaccine sớm nhất có thể”, ông Jaehun nói.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị một vaccine AstraZeneca trong chiến dịch tiêm vaccine cho nhân viên giao thông công cộng tại Bến xe buýt Kampung Rambutan ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP

Mỹ đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc vạch ra kế hoạch chia sẻ vaccine toàn cầu. Trong khi đó, sự bất bình đẳng về nguồn cung vaccine trên khắp thế giới ngày càng rõ rệt với nhiều lo ngại về sự xuất hiện của các biến thể virus mới hơn từ các khu vực có số ca mắc COVID-19 luôn ở mức cao.

Bà Jerome Kim, Tổng Giám đốc Viện Vaccine Quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển, cho rằng việc viện trợ vaccine là điều rất quan trọng vì sự bất bình đẳng vaccine toàn cầu sẽ trở thành mối đe doạ đa chiều: thảm hoạ con người, thiệt hại kinh tế và là nguyên nhân khiến các biến chủng virus mới xuất hiện. 

Sự thành công của kế hoạch chia sẻ vaccine của Tổng thống Biden sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ sản xuất và gửi đến các quốc gia có nhu cầu trong bối cảnh thiếu hụt vaccine toàn cầu, bà Jeong Eun-kyeong, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, nhận định.

Bà cũng lưu ý về những lo ngại trước yêu cầu bảo quản vaccine Pfizer và cho rằng sự hỗ trợ của Mỹ nên đi kèm với nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng và giáo dục nhân viên y tế ở các quốc gia tiếp nhận vaccine.

Chú thích ảnh
Các lọ vaccine Pfizer/BioNTech đông lạnh tại bệnh viện MontLegia CHC ở Liege, Bỉ. Ảnh: AP

Tại châu Á, bà Jung nói rằng Ấn Độ và Đông Nam Á đang rất cần sự hỗ trợ vaccine từ Mỹ. Vấn đề tiêm phòng cho người dân Triều Tiên bị cô lập cũng có thể là một khó khăn.

Một số chuyên gia cho rằng chỉ riêng việc viện trợ vaccine sẽ không đủ để thu hẹp khoảng cách lớn về nguồn cung. Họ kêu gọi Mỹ nên chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, giúp các công ty đủ điều kiện trên toàn thế giới tự sản xuất vaccine mà không bị ràng buộc về sở hữu trí tuệ.

Khi các quốc gia trên thế giới gặp khó khăn trong việc tiếp cận vaccine, không thể đảm bảo các thỏa thuận song phương với các công ty như Pfizer, nhiều quốc gia đã chuyển sang Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này đã xuất khẩu 350 triệu liều vaccine sang hàng chục quốc gia.

Trung Quốc đã cam kết cung cấp 10 triệu liều vaccine cho COVAX. Hãng dược phẩm Sinopharm tuần trước cũng cho biết họ vừa hoàn thành một lô vaccine để chia sẻ với COVAX. Hồi tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt sử dụng vaccine Sinopharm trong trường hợp khẩn cấp.

Trong khi vaccine của Trung Quốc phải đối mặt với các cáo buộc thiếu minh bạch trong việc chia sẻ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, nhiều quốc gia vẫn lựa chọn sử dụng vaccine của nước này và nhận thấy vaccine của Trung Quốc dễ sử dụng hơn vì chúng có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường.

Hải Vân/Báo Tin tức