06:00 08/06/2012

Châu Á đủ khả năng đối mặt với "sự ra đi của Hy Lạp"?

Khả năng Hy Lạp phải rút khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) gần đây đã gây lo ngại cho toàn cầu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các nền kinh tế mới nổi ở châu Á có thể đối phó được với viễn cảnh xấu này.

Khả năng Hy Lạp phải rút khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) gần đây đã gây lo ngại cho toàn cầu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các nền kinh tế mới nổi ở châu Á có thể đối phó được với viễn cảnh xấu này.


Việc "Hy Lạp ra đi" - cụm từ hiện đang được sử dụng phổ biến nhằm ám chỉ việc Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng euro (Eurozone) - sẽ làm dấy lên những lo ngại và sẽ là chủ đề chính của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 sắp tới, dự kiến diễn ra ở Mêhicô vào ngày 18 - 19/6.


"Hy Lạp ra đi" có thể gây ra nhiều rủi ro hơn cho các quốc gia nằm ngoài châu Âu và sự ổn định của hệ thống ngân hàng của Eurozone, song các nhà phân tích cho rằng, nhờ có các nguyên tắc kinh tế bền vững và các khoản dự trữ tài chính lớn, một số nền kinh tế châu Á có thể đưa ra chương trình kích thích tài chính để tránh một cuộc khủng hoảng lớn.


Tuy nhiên, Wellian Wiranto, nhà hoạch định chiến lược đầu tư châu Á thuộc tổ chức Barclays Wealth có trụ sở ở Xinhgapo, cho rằng nếu các nhà hoạch định chính sách không thể ngăn chặn nỗi lo sợ của giới đầu tư, thì khi đó sẽ có nguy cơ xảy ra tình trạng khủng hoảng tín dụng - điều chắc chắn sẽ tác động sâu hơn tới các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là khi nó bắt đầu ảnh hưởng tới hoạt động mậu dịch. Điều này đã được thể hiện qua việc số lượng đơn đặt hàng giảm đi tại các nhà máy của các quốc gia châu Á, cùng với các số liệu cho thấy hoạt động xuất khẩu sang Eurozone đang giảm sút. Ông nói: "Tuy nhiên, cuối cùng thì thị trường sẽ trở lại vận hành theo các nguyên tắc cơ bản, chứ không bị phụ thuộc vào cảm tính (của các nhà đầu tư)".


Theo ông Wiranto, "nếu Hy Lạp rút khỏi Eurozone, cả Hy Lạp và Eurozone sẽ mất nhiều hơn là được". Ông nhấn mạnh rằng, Hy Lạp có thể sẽ giành được lợi thế cạnh tranh nhờ đồng tiền rẻ hơn trong dài hạn, song trong ngắn hạn, sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Wiranto nói: "Ví dụ, Hy Lạp sẽ phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng thậm chí mạnh mẽ hơn nữa, bởi với việc rút khỏi Eurozone, nước này sẽ không còn đủ tư cách để nhận được tài trợ từ EU".


Tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone đã phủ bóng đen lên châu Á, đặc biệt là ảnh hưởng tới hoạt động thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, Wiranto cho rằng, hầu hết các nền kinh tế châu Á có "đủ khả năng tài chính để ít nhất làm dịu phần nào những tác động này". Các nền kinh tế như Xinhgapo, Hồng Công và Hàn Quốc đã luôn áp dụng các chính sách tài chính vô cùng thận trọng trong những năm qua, do đó các nền kinh tế này có khả năng để chi dùng phần nào lượng tiền tích lũy của họ thông qua chương trình kích thích tài chính. Mức tăng trưởng kinh tế ở châu Á và sự phục hồi của Nhật Bản, Thái Lan sẽ giúp bảo vệ châu Á trước việc nhu cầu đang ngày càng giảm ở Mỹ và Eurozone.


Theo ông Wiranto, mặc dù sự giảm tốc của Trung Quốc gần đây gây ra một số quan ngại ở châu Á và toàn thế giới, song chính phủ Trung Quốc, từ tháng 11/2011, đã chuyển hướng ưu tiên từ việc chống lạm phát sang kích thích tăng trưởng và chắc chắn sẽ còn thực hiện nhiều biện pháp nữa. Wiranto cho rằng, những biện pháp đó, trong đó có việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, sẽ giúp nới lỏng các điều khoản về tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm 2012. Ông dự đoán rằng, "có cơ hội để Trung Quốc tung ra thêm một loạt gói kích thích tài chính" nếu tình hình Eurozone xấu đi. Động thái này sẽ được hầu hết các nền kinh tế châu Á hoan nghênh, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

 

TTK