06:07 09/06/2011

Châu Á đón “làn sóng” trường học danh tiếng

Con em của những gia đình giàu có tại châu Á giờ đây không cần phải đi xa mới được theo học tại các trường danh tiếng nhất thế giới, bởi nhiều cơ sở đào tạo uy tín trên toàn cầu đã hoặc đang xây dựng trường lớp ở nhiều thành phố phát triển trong khu vực.

Con em của những gia đình giàu có tại châu Á giờ đây không cần phải đi xa mới được theo học tại các trường danh tiếng nhất thế giới, bởi nhiều cơ sở đào tạo uy tín trên toàn cầu đã hoặc đang xây dựng trường lớp ở nhiều thành phố phát triển trong khu vực.

Trường quốc tế Harrow tại Hồng Công. Ảnh: AFP/TTXVN

Một ví dụ điển hình là trường Harrow, một trong những trường học nổi tiếng nhất của Anh với danh sách dài và đầy ấn tượng những sinh viên thành đạt. Trong số đó có thể kể đến Thủ tướng Anh Winston Churchill, thi sĩ Lord Byron, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru, Quốc vương Gioócđani Hussein và cả ca sĩ nhạc pop James Blunt. Năm tới, Harrow dự định mở một cơ sở mới đào tạo 1.200 sinh viên tại Hồng Công (Trung Quốc), tiếp sau hai cơ sở tại Băng cốc (Thái Lan) và thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao ở châu Á.

Tuy nhiên, chi phí học tập tại Harrow không hề rẻ chút nào. Các bậc phụ huynh sẽ phải đảm bảo một khoản tiền lớn, thường là thông qua ký quỹ, lên tới 600.000 đôla Hồng Công (tương đương 77.000 USD) để giữ chỗ, cùng với những lệ phí khác khoảng 145.000 đôla Hồng Công. Ông Mark Hensman, phụ trách Hệ thống Các trường quốc tế Harrow, cho biết: Nhu cầu học tiếng Anh và lấy chứng chỉ cho phép tiếp cận các trường đại học phương Tây đang ngày càng tăng cao tại châu Á. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục trong khu vực đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu đó nên các trường quốc tế ngày càng có cơ hội “lấp chỗ trống”.

Ngoài Trường Harrow còn phải kể đến Đại học Marlborough, một trong những trường có lịch sử lâu đời của Anh. Marlborough hiện đang xây dựng cơ sở đầu tiên của mình ở nước ngoài, tại một trung tâm giáo dục rộng lớn mới ở Malaixia. Đó là khu EduCity tại thành phố Iskanda, bang Johor, dự kiến khi hoàn thành vào năm 2016 sẽ thu hút khoảng 16.000 sinh viên. Tại đây, Học viện công nghệ hàng hải Hà Lan đã khai giảng hồi tháng 5/2011 và Đại học Newcastle của Anh sẽ đón những sinh viên y khoa đầu tiên vào tháng 9 tới, trong khi Đại học Southampton hiện đang xây dựng trường lớp.

Bên cạnh đó, Viện công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ hiện đang hợp tác với một đối tác Malaixia để xây dựng cơ sở giáo dục đầu tiên tại châu Á. Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cũng sẽ thành lập một cơ sở đào tạo y khoa đồng thời lên kế hoạch xây dựng một khu liên hợp và làng sinh viên quốc tế cùng ký túc xá ở Malaixia.

Theo ông Khairil Anwar Ahmad, Giám đốc công ty xây dựng khu liên hợp, mục đích của dự án này là cung cấp nhân tài, kích thích nền kinh tế và đưa Malaixia lên “bản đồ giáo dục quốc tế”.

EduCity mang lại cho sinh viên cơ hội có được tấm bằng đào tạo nước ngoài với chi phí thấp hơn. Chẳng hạn như chi phí để có được một tấm bằng tốt nghiệp Đại học Y Newcastle ở EduCity chỉ bằng khoảng 65% so với tại trường ở Anh. Theo ông Ahmad nói: "Các bậc phụ huynh châu Á rất quan tâm đến giáo dục và ngày càng có nhiều người có khả năng cho con em đi du học nước ngoài nhưng châu Âu hoặc Mỹ thì quá đắt đỏ. Do vậy, đây là một lựa chọn hợp lý hơn mà vẫn có chất lượng tương đương".

Tại Xinhgapo, hạt giống của 'Ivy League' thuộc đại học Yale (Mỹ) đã được ươm trồng qua việc thành lập đại học khoa học xã hội và nhân văn tại Đại học Quốc gia Xinhgapo.

Đối với trường hợp Harrow, chính các mối quan hệ với hoàng gia Thái Lan đã đưa ngôi trường này tới châu Á. Đã có 23 hoàng tử tốt nghiệp ở trường Harrow gốc trong vòng 100 năm qua, kể cả bố của Quốc vương Thái Lan hiện nay. Một chuyến thăm của các giáo viên từng dạy họ hồi giữa những năm 1990 đã dẫn tới lời đề nghị trường mở một cơ sở tại Băngcốc năm 1998, trong bối cảnh nhiều bậc phụ huynh Thái Lan đã cho con em đi du học tại Anh và Mỹ.

Theo AFP, giáo dục quốc tế hiện là một ngành kinh doanh toàn cầu khổng lồ mà riêng học phí đã lên tới 26 tỉ USD. Nicolas Brummitt, Giám đốc điều hành Công ty phân tích ISC Research cho rằng, con số này sẽ tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ tới do số lượng trường học cũng tăng hai lần. Ông Brummitt nói: "Hai trong số những thay đổi đáng chú ý nhất trong thị trường này là số lượng sinh viên trong nước cùng các trường học làm kinh doanh đã tăng lên".

Quang Minh