02:21 29/02/2016

Chất lượng giáo dục Tây Nguyên từng bước được nâng lên

Ngày 29/2, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015, phương hướng phát triển giai đoạn 2016 - 2020.

Theo kế hoạch đến năm 2020, toàn vùng huy động trẻ từ 0 - 2 tuổi vào nhà trẻ khoảng từ 10% đến 12%, từ 3 - 5 tuổi vào mẫu giáo từ 85% đến 90%, riêng trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%; hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xây dựng đủ phòng học, bảo đảm thiết bị tối thiểu cho trẻ theo nhóm lớp, phấn đấu tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia toàn vùng là 25% đến 30%. 

Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, phát biểu tại hội nghị.

Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, THCS là 88 - 90%; có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương; 30% tỉnh, thành phố của vùng đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm tỷ lệ học sinh tiểu học, THCS, nhất là học sinh miền núi, học sinh dân tộc thiểu số bỏ học, phấn đấu tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cấp tiểu học là 40 - 45%, THCS là 30% và 20% ở bậc THPT; tiếp tục quan tâm đầu tư cho các tỉnh vùng Tây Nguyên xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú theo hướng đạt chuẩn quốc gia.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng xây dựng mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, giữ ổn định mạng lưới trường trung cấp chuyên nghiệp, phấn đấu thu hút 13 - 15% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp. Đến năm 2020, toàn vùng có 15 trường đại học, cao đẳng (tăng 1 trường đại học và 1 trường cao đẳng so với năm 2015), đạt tỷ lệ 235 - 240 sinh viên/vạn dân.

Giáo dục các tỉnh Tây Nguyên có nhiều khởi sắc.

Tại hội nghị này, các đại biểu cũng đã nêu lên một số tồn tại và đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm tiếp tục phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên, nhất là rà soát, điều chỉnh quy hoạch cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của vùng, của từng địa phương, tăng cường công tác thống kê, dự báo quy mô phát triển trường, lớp gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, ưu tiên thành lập mới các cơ sở mầm non. Các địa phương, ngành chức năng quy hoạch, điều chỉnh hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, giáo dục đại học, hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm trên địa bàn vùng, đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng công tác đào tạo… đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

Các đại biểu dự hội nghị cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung một số chính sách đặc thù về ưu tiên đầu tư giáo dục, đào tạo định mức phân bổ cho vùng, nhất là đối với các tỉnh có các huyện giáp Tây Nguyên (không có huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, chưa có dự án để phát triển giáo dục mầm non…) như mở rộng đối tượng được hưởng chế độ ăn trưa, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi thuộc hộ cận nghèo, trẻ vùng khó khăn trong việc đến lớp, đến trường; ưu tiên phân bổ vốn trong Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới cho các tỉnh Tây Nguyên, ưu tiên nguồn vốn ODA…
Quang Huy