04:07 18/04/2015

Chất lượng dịch vụ y tế có tăng cùng viện phí?

Trong năm 2015, giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tính thêm tiền lương và một số chi phí trực tiếp cấu thành nên giá. Bởi vậy, nhiều người dân đang lo lắng về nguy cơ sẽ phải mất những khoản chi phí cao hơn khi đi khám, chữa bệnh.

Trong năm 2015, giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tính thêm tiền lương và một số chi phí trực tiếp cấu thành nên giá. Bởi vậy, nhiều người dân đang lo lắng về nguy cơ sẽ phải mất những khoản chi phí cao hơn khi đi khám, chữa bệnh. Đặc biệt, họ rất băn khoăn không rõ, viện phí tăng thì chất lượng dịch vụ y tế có tăng?

Lo không lo nổi viện phí

Có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư nên chị Nguyễn Thị Hồng Nga, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, rất lo lắng khi đón nhận thông tin tới đây, viện phí tiếp tục tăng. Chị Hồng Nga chia sẻ: “Với giá dịch vụ y tế như hiện tại, dù có thẻ bảo hiểm y tế nhưng mỗi lần đưa đưa mẹ tôi đi khám và điều trị thì gia đình cũng phải lo tiền triệu. Sắp tới, nếu giá dịch vụ y tế tăng như các phương tiện thông tin đưa thì không rõ những người mắc bệnh ung thư như mẹ tôi liệu có lo nổi viện phí không, bởi dù được BHYT chi trả 20% nhưng viện phí tăng thì phần cùng chi trả của người bệnh cũng tăng theo”.

Theo một số bệnh viện, tăng viện phí sẽ giúp đầu tư trang thiết bị và bổ sung nguồn nhân lực. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Cũng chung nỗi lo, chị Nguyễn Thị Hà, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội băn khoăn: “Tăng viện phí chỉ có người dân là khổ, nhất là những người chưa có điều kiện mua thẻ BHYT theo hộ gia đình hoặc những người mắc bệnh mạn tính, tôi thấy các bác sĩ, nhất là tại các bệnh viện lớn vẫn “sống tốt”. Vậy tại sao trong năm nay phải tính cả lương của cán bộ, nhân viên y tế vào viện phí?”.

Trao đổi về vấn đề này, BS Võ Xuân Sơn, Phòng khám quốc tế Exson, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu so với sức ép công việc thì mức lương của cán bộ y tế hiện nay ở mức thấp, chỉ một bộ phận rất nhỏ có thu nhập cao. Để có thu nhập tốt, cán bộ y tế phải làm việc miệt mài từ 16 - 18 tiếng/ngày nên không có thời gian nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực giao tiếp. Hầu hết nhân viên y tế sống được với nghề nhờ vào họ phải đi làm thêm ngoài giờ tại các phòng khám hay bệnh viện tư, thậm chí buộc lỏng “bắt tay” với hãng dược”.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, việc tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương trong giá dịch vụ y tế là một đòi hỏi thực tế, khách quan. Một bác sỹ muốn ra hành nghề thì phải trải qua 6 năm đào tạo và 18 tháng thực hành. Trong khi đó, với các ngành khác chỉ mất khoảng 3 - 4 năm đào tạo đã có thể ra làm việc và mức lương khởi điểm tương đương với mức lương khởi điểm của một bác sỹ.

Tăng nhân lực, trang thiết bị y tế

Đại diện của một số bệnh viện khẳng định, hiện nay, mức thu viện phí không đủ cho việc khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế. Hầu hết các bệnh viện đều dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh mới tạo cơ hội giúp các bệnh viện chủ động trong việc đầu tư trang thiết bị, bổ sung nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Bác sỹ Võ Xuân Sơn nhấn mạnh, hiện nay, các trang thiết bị ở bệnh viện công đều “trông chờ” vào nguồn ngân sách hoặc nguồn xã hội hóa, không có trang thiết bị nào từ nguồn thu viện phí. Do đó, khi tăng viện phí, các bệnh viện sẽ được đầu tư nhiều hơn về nhân lực, trang thiết bị nên chất lượng dịch vụ y tế sẽ được cải thiện. Và nếu viện phí tiến tới tính đúng, tính đủ 7 yếu tố (hiện nay, mới tính 3/7 yếu tố, sắp tới sẽ tính thêm lương cán bộ nhân viên y tế - PV), tức là để cho thị trường quyết định, thì tất cả những hành xử phi thị trường như hiện nay sẽ phải bỏ đi. Khi đó, quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên, có thể tự chọn cơ sở y tế và cơ quan BHYT phải có trách nhiệm thanh toán cho bệnh viện.

Đồng tình với quan điểm này, bác sỹ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc tăng viện phí ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến người bệnh nhưng sẽ có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Tất nhiên, chất lượng dịch vụ thì chưa thể thay đổi ngay mà cần phải có một thời gian để các bệnh viện điều chỉnh. Với nguồn thu từ viện phí, các bệnh viện sẽ đầu tư trang thiết bị và bổ sung thêm nguồn nhân lực nên trong tương lai, chất lượng dịch vụ sẽ tăng, người bệnh sẽ không phải khám chữa bệnh trong tình trạng cơ sở bị xuống cấp… Mặt khác, giá dịch vụ y tế tăng, sẽ dần dần giúp người dân nhận thấy tầm quan trọng của BHYT và họ sẽ mua BHYT nhiều hơn.

Trả lời câu hỏi chất lượng dịch vụ y tế đã thay đổi như thế nào sau những lần điều chỉnh viện phí trước đây, một đại diện Bộ Y tế đã khẳng định: Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sau 2 năm thực hiện rõ ràng đã tạo điều kiện cho các bệnh viện thêm nguồn thu để trang trải các chi phí phục vụ người bệnh, góp phần từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Nhiều bệnh viện đã chi hàng chục tỷ đồng để cải tiến khu vực khám bệnh, bộ phận đón tiếp, hướng dẫn; mở thêm các buồng khám, bàn khám; mua sắm bổ sung, thay thế giường bệnh, điều hòa, quạt, chăn ga gối đệm, trang thiết bị chẩn đoán, dụng cụ khám bệnh... Các bệnh viện đã dành 15% tổng số thu khám bệnh và ngày giường bệnh để đầu tư cho khu vực khám bệnh và buồng bệnh, nên khu vực khám bệnh, các buồng bệnh đã được cải thiện, khang trang, sạch sẽ hơn trước, cải tiến quy trình khám bệnh, kể cả việc thu viện phí để giảm thời gian chờ đợi, người bệnh đã hài lòng hơn.

Tuy nhiên, do cơ sở vật chất còn chật chội; nguồn ngân sách đầu tư cho y tế còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của các bệnh viện, các bệnh viện còn thiếu kinh phí để đầu tư các trang thiết bị đắt tiền phục vụ công tác khám chữa bệnh như máy siêu âm, máy CT, xạ trị, phòng mổ… do vậy cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người bệnh. Dẫn đến bệnh nhân còn phải chờ đợi để được khám bệnh và chẩn đoán.


Phương Liên - Đan Phương