09:11 18/09/2019

Chất lượng công trình xây dựng xuống cấp, ‘rút ruột công trình’ cần được làm rõ trong việc sửa đổi Luật Xây dựng

Sáng 18/9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Luật Xây dựng năm 2014 đã xác lập các quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp với thực tiễn của đất nước. Sau khi Luật được thông qua, Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật.

Tuy nhiên, hiện nay đã có một số yêu cầu mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật. Yêu cầu phải thể chế hóa kịp thời một số định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Xây dựng năm 2014 đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Luật. Một số quy định tại các Điều 57, Điều 58, Điều 82, Điều 83 về nội dung, phạm vi, thẩm quyền thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn về công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế chưa phù hợp với nguyên tắc: Cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm soát nội dung thuộc chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, kiểm soát sự phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp tính định mức, đơn giá của các dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn phải tự chịu trách nhiệm về các nội dung cụ thể của dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng. Nội dung, thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng tại Điều 83 và cấp giấy phép xây dựng tại Điều 91, Điều 95 còn có một số điểm trùng lặp như đánh giá về an toàn công trình, an toàn môi trường, phòng, chống cháy nổ, năng lực của tổ chức, cá nhân thiết kế; điều kiện cấp giấy phép xây dựng chưa phù hợp với một số loại công trình; thời gian cấp giấy phép xây dựng còn dài.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) cho rằng việc phân loại, cấp công trình có ý nghĩa quan trọng đối với quản lý hoạt động đầu tư xây dựng như thẩm định dự án, thiết kế công trình; cấp giấy phép xây dựng; quản lý năng lực hoạt động xây dựng; bảo hiểm, quản lý chi phí, trong thiết kế xây dựng công trình… Về tiêu chí phân loại, phân cấp công trình, dự thảo Luật đã được sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết. Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH, CN&MT đề nghị làm rõ thêm về sự cần thiết của sự thay đổi này và lưu ý không làm xáo trộn hoạt động đầu tư xây dựng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Chú thích ảnh
 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, việc thành lập, vận hành Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (Ban quản lý chuyên ngành, khu vực) quy định tại Điều 62 bắt buộc đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án theo chuyên ngành sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong một số trường hợp khó thực hiện như một số bộ, cơ quan ngang bộ có rất ít dự án, dự án quy mô nhỏ, việc duy trì Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực khó thực hiện do không đủ kinh phí lấy từ chi phí quản lý dự án theo quy định; các Tập đoàn, tổng công ty thực hiện đầu tư xây dựng theo nhiều hình thức: Đầu tư tại các công ty con, công ty thành viên, hợp tác liên doanh,... việc bắt buộc quản lý dự án thông qua Ban chuyên ngành, khu vực làm giảm tính chủ động của các đơn vị này.

Quy định về phân chia dự án thành phần tại Điều 52 quy định việc phân chia dự án thành phần được thể hiện tại quyết định đầu tư còn hạn chế vì cần lập, phê duyệt dự án tổng thể mới có thể phân chia dự án trong khi nội dung này có thể được xem xét khi quyết định chủ trương đầu tư để thực hiện lập và quản lý thực hiện theo các dự án thành phần hoặc quy định phân kỳ đầu tư khi phê duyệt dự án. Quy định công bố chỉ tiêu, hệ thống định mức xây dựng, chỉ số giá, giá xây dựng tại các Điều 132, Điều 136 cần được quy định rõ hơn về nguyên tắc ban hành, công bố và mức độ áp dụng theo nguồn vốn để quản lý chặt chẽ vốn đầu tư công và tránh sự hiểu khác nhau trong thực thi quy định pháp luật.

Điều 128 chỉ quy định về công trình theo lệnh khẩn cấp, chưa có quy định về xây dựng các công trình có tính cấp bách, tại Điều 130 chưa quy định thẩm quyền quyết định công trình khẩn cấp, cấp bách dẫn đến vướng mắc trong trong triển khai. Các quy định liên quan đến quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng, đánh giá an toàn công trình,... cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Còn thiếu một số quy định điều chỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (dự án có những đặc điểm riêng, khác với dự án xây dựng công trình thông thường như: quy mô, diện tích chiếm đất lớn, sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, thời gian thực hiện dự án thường kéo dài, có nhiều chủ thể tham gia, dự án vừa xây dựng vừa kinh doanh, khai thác…).

Sau khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực, đã có một số Luật mới được ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14; các Luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai… Vì vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng năm 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. “Từ các phân tích nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là cần thiết”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu ý kiến.

Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến của UBTVQH cho rằng, sau khi sửa Luật lần này làm sao “không vướng nhau”. Khi có Luật thì trật tự xây dựng, quản lý xây dựng phải thực hiện nghiêm túc. Việc phân loại cấp công trình trong Luật đã quy định rất rõ, đó là công trình cấp 1, cấp 2, cấp 3 rất dễ hiểu; nay Ban soạn thảo lại đưa ra sửa đổi và giao cho Chính phủ quy định cấp công trình, vậy có nên sửa điều này trong Luật hay không.     

“Trong quá trình người dân xây dựng nhà ở chỉ vương vãi chút vật liệu ra đường thì từ ông tổ trưởng dân phố đến thanh tra xây dựng đến nhắc nhở. Ấy vậy mà có những công trình cao tầng (công trình 8B Lê Trực), xây dựng vượt phép thì xử lý mãi chưa xong. Vẫn còn tình trạng phạt xong nhưng vẫn cho tồn tại”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu dẫn chứng.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu ý kiến. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng: Khi Luật Xây dựng ban hành có 2 đối tượng điều chỉnh đó là đầu tư công và người dân xây nhà để ở. “Vậy Luật này điều chỉnh như thế nào? Vấn đề nhũng nhiễu trong xây dựng gây khó khăn cho người dân, trong khi việc quy hoạch điều chỉnh đô thị hạ tầng cơ sở của thành phố còn bất cập, dẫn đến tắc đường, thiếu nước sạch mà lại ngập nước mưa. Các công ty xây dựng đang sử dụng công nhân xây dựng như thế nào, bởi công nhân tay nghề chưa cao dẫn đến chất lượng xây dựng cũng không đảm bảo”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu ý kiến.

Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: Chính phủ cần đánh giá đúng thực tế tình hình vi phạm trât tự xây dựng trong thời gian qua như thế nào, xây dựng không phép ra sao. Đây là những vấn đề cần đánh giá đúng thực tế. Có bao nhiêu chủ thể phải xử lý chứ không thể đổ lỗi cho công ty, doanh nghiệp xây dựng, mà phải có người đứng đầu chịu trách nhiệm. “Những người đứng đầu ở đâu, chính quyền địa phương ở đâu? Chất lượng công trình xây dựng xuống cấp nhanh, có tình trạng “rút ruột công trình” đề nghị làm rõ và có đánh giá thực chất vấn đề sửa đổi Luật. Tháo gỡ công trình sai phép ra sao, rồi công tác phòng cháy chữa cháy những chung cư cao tầng như thế nào?… Cho nên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng lần này cần phải làm rõ”, bà Lê Thị Nga nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Về phạm vi điều chỉnh, sửa đổi Luật Xây dựng vẫn còn có ý kiến khác nhau, cho nên Ban soạn thảo cần tập trung rà soát  để Luật đưa ra sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc, tháo gỡ trong vấn đề xây dựng và quản lý xây dựng.

“Cũng có ý kiến đề nghị nhìn nhận lại Luật Xây dựng một cách toàn diện. Cho nên đề nghị Chính phủ rà soát lại Luật này để đảm bảo tính thống nhất tránh xung đột với các Luật hiện hành như Luật đầu tư công, Luật doanh nghiệp… Tăng cường chế tài xử lý để Luật Xây dựng mạnh lên, Chính phủ cần xem xét thêm. Chính phủ tiếp thu đầy đủ các ý kiến UBTVQH góp ý và phần thẩm tra sơ bộ dự án Luật do Ủy ban KH, CN&MT trình để sớm trình ra Quốc hội thảo luận cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra vào tháng 10 tới đây”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Viết Tôn/Báo Tin tức