01:09 31/01/2011

Chào năm thứ 11 của thiên niên kỷ mới

Đã qua một tuần đầu năm. Lẽ phải viết chào Xuân Tân Mão. Chẳng vì bận việc cũng chẳng phải bởi lười nhác. Lùi thời gian chỉ muốn xem dư luận trong nước và thế giới Đông Tây, người ta viết gì, nói gì để học lấy đôi điều, có thêm kiến thức cho bài viết.

Đã qua một tuần đầu năm. Lẽ phải viết chào Xuân Tân Mão. Chẳng vì bận việc cũng chẳng phải bởi lười nhác. Lùi thời gian chỉ muốn xem dư luận trong nước và thế giới Đông Tây, người ta viết gì, nói gì để học lấy đôi điều, có thêm kiến thức cho bài viết.

Khó phân định quá. Trong nước nhiều đồng thuận, dẫu có khác cũng không quá mức. Cái ngược dòng cũng có nhưng chỉ là cá biệt. Các học giả, các nhà khoa học, các chuyên gia tài chính - kinh tế, các bình luận viên tên tuổi của thế giới với những nhận xét, dự báo có độ vênh đến mức đối lập cả về nền kinh tế thế giới cũng như những nhận xét và dự báo về Việt Nam.

Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010. Ảnh: Đức Tám – TTXVN


Có những nhận xét lạc quan về cục diện kinh tế thế giới, tuy không nhiều. Các vị này cho rằng về cơ bản thế giới đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng toàn cầu. Những nỗ lực trong năm 2011 sẽ đạt tới sự cân bằng mới cùng những chỉ số phát triển 4-5%.

Đối lập là thái độ khá tiêu cực. Họ nhận xét cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế từ cuối năm 2007 bắt nguồn từ sự khủng hoảng cơ cấu nền tảng ở mức độ nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng những năm 30 của thế kỷ trước với những dạng hình mới rất khó điều chỉnh.


Họ là những học giả tư bản lâu đời nhưng họ lại vận dụng Tư bản luận của Mác để giải thích cục diện kinh tế thế giới. Họ cho rằng rất khó đề xuất những giải pháp hữu hiệu để đạt tới sự cân bằng chứ chưa nói đến giai đoạn phục hưng và phát triển.

Có những nhận xét vừa phải, đề xuất những biện pháp thực dụng hơn. Những nhận xét này chiếm số đông, không quá lạc quan, nhưng cũng không quá bi quan. Họ vẫn cho rằng bóng đen bao trùm khu vực đồng tiền chung châu Âu đã chuyển sang mầu xám và hy vọng bằng những nỗ lực của Chính phủ các nước thành viên mạnh của châu lục, dẫu ở mức độ khác nhau, vẫn có cơ đưa lại những tia sáng cho sự khôi phục của đồng tiền chung châu Âu. Họ tin vào những nỗ lực mới từ phía Mỹ và vị trí của đồng đôla Mỹ làm chỗ tựa cho nền kinh tế châu Âu.


Họ cũng đặt niềm tin vào nền kinh tế mạnh vừa bật lên thứ hai thế giới của Trung Quốc và vị trí của đồng yên Nhật Bản vẫn ở thế giằng co bậc 2, bậc 3 với Trung Quốc và cả nhóm BRIC (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) cùng một số nước đang phát triển sẽ giúp nền kinh tế thế giới cân bằng trở lại và đạt tới sự phát triển tuy không đồng đều vào cuối năm 2011 và năm 2012. Họ đặt giới hạn cho thời kỳ ổn định mới vào những năm 2013 - 2014.

Thời gian sẽ trả lời. Tuy nhiên, thế giới đang là một thực thể tồn tại. Thực thể đó sẽ có những phương cách khác nhau liên kết với nhau hoặc nỗ lực tự thân để cứu mình, tự giải thoát để tồn tại.

Cùng nỗi lo về kinh tế là nỗi lo về biến đổi khí hậu. Sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai trong năm 2010 ở khắp các châu lục là hậu quả hiển nhiên của Trái Đất ấm lên. Dẫu chưa đạt yêu cầu, sự đồng thuận về một quỹ dành, cho đối phó với biến đổi khí hậu từ hội nghị Cancun cũng là một biểu hiện tốt.

II.
Việt Nam vào năm thứ 10 của thế kỷ mới cũng nhận được những đánh giá, dự báo khác nhau của thế giới. Ta thật lòng cảm ơn những nhận xét giầu thiện cảm của bạn bè từ khắp các châu lục. Có những nhận xét ca ngợi quá lời, có những phê bình thiện chí, đương nhiên có cả những nhận xét mang tính phê phán gay gắt. Trân trọng những ý kiến của tất cả. Chúng ta luôn nghiêm khắc với bản thân mình.

Có một tổ chức phi chính phủ xếp hạng Việt Nam là dân tộc lạc quan hàng đầu thế giới. Vâng, chính sự lạc quan đó đã giúp cho dân tộc này tồn tại trải qua ngàn năm sóng gió. Chẳng thế mà có câu “tiếng hát át tiếng bom”. Và một nhà báo nước ngoài mấy chục năm trước từng viết “họ vẫn luôn giữ nụ cười trên môi dù họ phải xiết chặt dây lưng cho bụng bớt cồn cào vì thiếu ăn”.

Tổng công ty lương thực Miền Nam bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Tân Thuận 2 (cảng Sài Gòn). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Lạc quan để vượt lên khó khăn, vượt qua đau khổ. Lạc quan không đồng nghĩa với chủ quan. Lạc quan khi đất nước còn xếp hạng nghèo khó nhất để chung sức vượt lên dẫu chỉ ở mức trung bình thấp. Cũng lạc quan khi nằm trong số rất ít nước phải chịu tổn thất nhiều nhất từ biến đổi khí hậu để tìm ra cách ứng phó phù hợp với khả năng thích ứng của mình.

Bước vào năm thứ 11, hứng chịu đồng tiền trượt giá, hạn hán kéo dài ở Bắc bộ, mùa lũ đến muộn ở đồng bằng sông Cửu Long trong khi triều cường dội nước mặn vào đồng ruộng cùng hậu quả bão lũ miền Trung và những tổn thất nặng nề của ngư dân ở Biển Đông. Thế mà không có dấu hiệu của sự mất niềm tin, thiếu lạc quan hướng về phía trước.


Ngay những ngày đầu năm mới, ở mọi nơi đều chào đón những công trình xây dựng đem lại lợi ích lâu dài cho trước mắt và tương lai đất nước. Cả nước đều hướng về Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người ta đã góp những lời tâm huyết cho Đảng và chờ đợi những quyết sách chiến lược của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh sửa đổi, trong Báo cáo Chính trị và cả những mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội cho mười năm thứ 2 của thiên niên kỷ mới.


Đương nhiên, người ta cũng mong Đại hội lựa chọn được Ban lãnh đạo mới đáp ứng nhiệm vụ nặng nề của đất nước. Nhân dân, đảng bộ và chính quyền địa phương cũng bắt đầu lo lựa chọn ngay từ bây giờ những đại biểu để bầu vào cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc hội khóa XIII vào giữa năm.

Và một sự kiện có ý nghĩa lịch sử với Đảng, với dân tộc làm người ta phải suy nghĩ, phải làm gì xứng đáng với kỷ niệm 100 năm ngày người con yêu dấu của dân tộc ra đi tìm đường cứu nước để trở thành anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa được thế giới vinh danh, vào những năm cuối thế kỷ trước.

Một trăm năm trước, ở độ tuổi 20, Người được cụ Nguyễn Sinh Sắc, cha mình khuyến khích, tạo điều kiện học thêm ngoại ngữ, rồi lại ngầm nhờ người quen giúp dạy nghề đầu bếp và kín đáo tiễn biệt lên đường theo hoài bão tìm ra một đường đi khác các bậc tiền nhân để cứu dân, cứu nước.

Đất nước, dân tộc đã sinh ra được một Hồ Chí Minh. Đảng đã được chính Hồ Chí Minh thành lập và dẫn dắt từ những điều kiện lịch sử khó khăn nhất. Dẫu Người đã đi xa. Nhưng tư tưởng, phẩm chất và đạo đức của Người vẫn còn soi sáng mãi.

Tư tưởng và đạo đức của Người ở tầm cao không giới hạn nhưng cũng gần gũi, thiết thực và cụ thể với mỗi người, mỗi tập thể, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau.

Nhân 100 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước. Trong điều kiện năm thứ 11 của thế kỷ mới, ta nên học và vận dụng điều gì từ bậc thánh nhân đó?

Đương nhiên, gần 1.400 đại biểu ưu tú thay mặt toàn Đảng họp Đại hội lần thứ XI sẽ vận dụng ở mức cao nhất việc học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ và chương trình đề ra trong Đại hội.

Các đại biểu Quốc hội đương nhiệm cũng như các đại biểu được bầu cho khóa XIII, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các lực lượng vũ trang nhân dân và an ninh nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, các cá nhân và các tầng lớp khác nhau trong xã hội chắc chắn sẽ tìm cho mình cách thích hợp nhất về học tập và làm theo Bác Hồ nhân 100 năm ngày Người rời đất nước để tìm ra con đường cứu dân, cứu nước.

Người viết báo, người làm thông tin phân tích dư luận xã hội cùng gắng sức học tập Người thầy vĩ đại của nghề này trong chức trách của mình.

Bài viết đầu năm mới này, người viết tưởng như hiện lại trước mắt những kỷ niệm một thời được trực tiếp nghe lời dạy của Người, mong vận dụng phần nào vào hôm nay.

Nhớ giữa những năm 1950, lần đầu được làm việc với Người khi Người ghé thăm Nhà máy liên hợp dệt Nam Định sau khi đi chống hạn ở Ninh Bình về. Có hàng chục những ấn tượng sâu sắc về một cuộc làm việc ngắn.


Chỉ xin ghi lại hai điều có liên quan đến nghề nghiệp. Một là, Bác dặn đi dặn lại “Không được đưa tin Bác đi thăm nhà máy. Hôm nay Bác đi tham gia chống hạn, tiện đường ghé vào, đưa tin Bác thăm nhà máy là không đúng”.


Hai là, khi giám đốc vừa báo cáo tình hình nhà máy, Bác đã ngắt lời và nói luôn những con số y chang trong báo cáo chuẩn bị của giám đốc. Bác nói: “Những điều này Bác đã biết, Bác chỉ muốn hỏi các cô chú điều kiện làm việc và đời sống công nhân. Bác đã đi qua nhà ăn và khu tập thể, thấy vệ sinh chưa tốt lắm đâu”.


Giám đốc lúng túng nhưng vốn là người điềm tĩnh, anh thưa với Bác: “Điều kiện và đời sống công nhân nói chung khá hơn lần Bác về thăm năm ngoái. Riêng nữ công nhân đông con và các chị mới sinh cháu nhỏ còn nhiều khó khăn”. Bác cười: “Điều đó, chú không nói Bác ngồi ở Hà Nội cũng biết. Không chỉ ở đây mà đời sống đồng bào cả nước có khá hơn năm trước.


Phụ nữ đông con và mới sinh thì ở đâu cũng khó khăn. Các cô, chú hay nói những từ “nhìn chung” và “về cơ bản”. Khá hơn thì cần nói rõ có mấy phân xưởng đã thông thoáng, ít bụi, giảm tiếng ồn, giữa ca nghỉ có được ăn cháo, phở hay bánh trái gì không.


Đời sống khá hơn thì có bao nhiêu công nhân được ở nhà mới, đủ quần áo, chăn màn, trẻ con được đi học. Bao nhiêu vẫn ở nhà cũ, đi làm việc xa, không lo được việc học cho con. Nhà máy liên hợp có hơn 12.000 công nhân, đa số là nữ thì bao nhiêu nữ đông con, khó khăn về ăn ở hay trông nom con cái. Bao nhiêu cô mới sinh con.


Trẻ sau một tháng mẹ nghỉ, thì nhà trẻ có nhận trông không hay phải gửi ngoài. Giám đốc các xí nghiệp, quản đốc các phân xưởng, công đoàn, nữ công cơ sở có nắm được không và có bàn cách giúp đỡ không”. Bác muốn biết những điều đó và Bác cười: “Chứ ‘nhìn chung’ và ‘về cơ bản’ thì chú không nói, Bác cũng đoán được”.

Một lần, vào đầu những năm 1960, viết một tiểu phẩm vội vàng trong lúc bức xúc gửi cho báo. Tổng biên tập đã không sửa lại còn ghi bút danh “Ngự Sử”. Hai ngày sau, anh Tố Hữu đưa cho tờ báo chỉ vào lời phê của Bác ở cạnh bài báo “Chú nào viết? Phê bình nội bộ mà viết thành tiểu phẩm, lời văn khinh bạc...!”. Nhớ suốt đời 4 từ “lời văn khinh bạc”.

Sau này, có lần nghe Bác dặn dò về viết người tốt, việc tốt và tự phê bình và phê bình trên báo, càng thêm thấm thía. Bác dặn: Viết người tốt, việc tốt là viết người thực, việc thực, không được thêu dệt, tô hồng. Người tốt, việc tốt không phải là hoàn thiện. Người tốt cũng có điểm yếu, có khuyết điểm. Việc tốt cũng không phải là tốt hoàn toàn, nhưng phải viết đúng, có chừng mực mới có tác dụng giáo dục.


Còn tự phê bình và phê bình cũng vậy, phải đúng người, đúng việc. Có người, có phong trào mắc khuyết điểm nhưng phần lớn không phải hư hỏng cả. Việc sai cần phê bình nhưng phải có lý, có tình, thấy cái cụ thể nhưng cũng phải thấy cái chung. Có người, có việc cần nêu tên thật, địa chỉ thật. Nhưng có người, có việc cần tránh, chỉ cần viết đồng chí Y, ở địa phương X...

Khi được giao viết bài cho một số đồng chí lãnh đạo sau Hội nghị Trung ương 9, khoá III để đăng báo Nhân Dân, Bác còn nêu rõ đồng chí lãnh đạo ở cương vị, lĩnh vực nào thì cần chuẩn bị kỹ những điều cần nói về đơn vị đó, lĩnh vực đó tiếp nhận và thực hiện Nghị quyết Trung ương; lĩnh vực nào, đơn vị nào, đồng chí lãnh đạo nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu, phải từ lợi ích chung mà xem xét và đặt vấn đề cho đúng đắn, cần tranh thủ xin ý kiến các đồng chí đó trước và nhất thiết bài chỉ đăng báo khi người đứng tên đã xem, sửa chữa và ký tên vào bản thảo.

Lại nhớ khi được giao tham gia tổ công tác chỉ đạo chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại từ Vĩnh Linh, đến Nghệ An, ngoài những nhiệm vụ chính, Bác còn dặn nhắc nhở các cấp ủy và bộ đội, công an khi tổ chức và cùng nhân dân đào hầm hào thì không được phá cây mà còn phải trồng loại cây nhanh mọc trên các núi trống, đồi trọc. Bác nói: “Đào hầm, hào là phòng tránh trước mắt, trồng cây là phòng tránh lâu dài với cả kẻ địch và thiên tai”.

Bác Hồ là như vậy đấy. Không chỉ làm việc nào biết việc ấy, mà làm việc này tính liền với việc khác, làm cái trước mắt, tính cái lâu dài. Xem xét cái cục bộ luôn gắn với toàn cục.

Kể về Bác và ghi lại về Bác, dẫu cả ngàn, vạn trang cũng không đủ. Nhắc lại đôi điều cũ, chỉ muốn liên hệ vài việc hôm nay.

Ta viết thành công, thắng lợi, khó khăn, khuyết điểm của năm thứ 10 và triển vọng của mười năm lần thứ 2 của thiên niên kỷ, cũng ráng vận dụng phương pháp tư duy, cách làm việc, cách viết của Bác.

Chẳng hạn, thắng lợi đối ngoại của năm 2010 là niềm tự hào của nhân dân cả nước và cũng chưa hề có trong lịch sử dân tộc, nhưng cũng không nên viết một chiều, còn khá nhiều khuyết điểm và nhiều mối lo trong các đối sách cụ thể và biết bao điều đặt ra cho đất nước, nhân dân ta trong quá trình hội nhập với thế giới cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự và an ninh.

Thắng lợi về ổn định chính trị, về giữ vững đà phát triển kinh tế và an sinh xã hội là to lớn nhưng chớ nên quên đất nước và nhân dân vẫn còn nghèo, mức trung bình thấp vốn chưa phải đã là mục tiêu mà ngay cả cái trung bình thấp đó vẫn còn trên 10% dân số ở trong mức nghèo khổ.

Mục tiêu và triển vọng phát triển kinh tế xã hội trong mười năm thứ 2 để tiến lên một nước công nghiệp hiện đại là điều có thể nắm bắt được. Nhưng cần phải tỉnh táo, dự báo những trở ngại, những khó khăn đã lường trước được và cả những cái bất chợt, khó lường.


Đường dài vạn dặm, không phải là xa lộ có sẵn, vừa đi vừa xây dựng, vừa hoàn thiện từng bước, phải chuẩn bị đầy đủ cho những đoạn đường khúc khuỷu, nhiều thác ghềnh.

Ngược lại, khi viết về những khó khăn, khuyết điểm cũng không thể cực đoan, phiến diện.

Toàn cảnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Thanh Long –TTXVN

Trượt giá và nhập siêu là cái giá phải trả; chỉ cần biết cách trả giá rẻ nhất và trong thời gian ngắn nhất.

Ai đó phê phán nặng nề con số hơn 11 tỷ đôla Mỹ xuất khẩu về dệt da may mặc và cho rằng đã phải trả gần 9 tỷ nhập nguyên phụ liệu. Người ta quên rằng đã có hàng triệu người có công ăn, việc làm và tiếp cận được với thị trường thế giới đâu có dễ dàng.


Dù chỉ vài trăm triệu đôla lãi cũng là quá tốt. Vả lại, ngành dệt da, may mặc đang phấn đấu cho 40% nguyên phụ liệu, tiến tới 70% là nguồn trong nước.

Cũng như ai đó phê phán sự kiện Vinashin một cách quá lời. Nếu nghĩ đến chỉ trong năm, bẩy năm từ một quốc gia chỉ làm ghe, thuyền mà có hàng vạn kỹ sư, công nhân kỹ thuật đóng được cả tàu trọng tải lớn, trở thành một quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu.


Đúng là ta nóng vội xây dựng các tập đoàn lớn đa ngành trong điều kiện chưa chuẩn bị đội ngũ cán bộ và nguồn vốn, lại gặp khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vấp ngã phải xử lý, phải sửa chữa và nhất định sẽ sửa chữa tốt.

Càng không thể vì một Vinashin mà tấn công vào sự yếu kém của doanh nghiệp nhà nước, hạ thấp vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Còn có thể liệt kê nhiều sự vụ khác. Nhưng điều cốt lõi của bài viết chỉ muốn cố gắng vận dụng trên một khía cạnh nhỏ phương pháp tư duy và cách tiếp cận thực tế của Bác Hồ để cho công việc hôm nay. Xin chớ vội nói thời đại Bác Hồ khác với thời đại hôm nay.


Chúng ta không hề có ý viện dẫn Bác Hồ như một giáo điều mà sinh thời, bệnh giáo điều luôn được Bác phê phán quyết liệt.

Tuy nhiên, phương pháp tư duy và phương pháp tiếp cận cuộc sống của Bác mãi mãi soi sáng không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho các thế hệ con cháu mai sau.