05:11 27/05/2019

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Hành vi dâm ô trẻ em sẽ được quy định cụ thể hơn

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích về dự thảo Nghị quyết của Tòa án hướng dẫn áp dụng 7 điều trong nhóm tội xâm hại tình dục của Bộ luật Hình sự 2015.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây mới là dự thảo, chưa phải quy định cuối cùng và quá trình ban hành Nghị quyết này sẽ phải tuân thủ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chú thích ảnh
Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời phỏng vấn của báo chí sáng 27/5.

"Đây là vấn đề xã hội quan tâm, Quốc hội thảo luận nhiều lần và yêu cầu Tòa án phải có hướng dẫn. Lẽ ra khi xây dựng Bộ luật Hình sự, vấn đề này cần được thảo luận kỹ hơn tại Quốc hội, bởi theo quy định của các nước châu Âu, châu Mỹ... các hành vi này đều được quy định rõ ngay trong Luật Hình sự, không phải hướng dẫn", Chánh án cho hay.

Chia sẻ về quy trình ban hành Nghị quyết hướng dẫn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ tuân thủ theo quy định pháp luật, theo đó phải có dự thảo, có hội thảo khoa học, lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, đăng tải trên Cổng thông tin của Tòa án để lấy ý kiến nhân dân.

Chánh án cho biết thêm: Dự thảo lần 1 đã đăng tải và nhận được sự quan tâm của dư luận. Yêu cầu đặt ra là phải chính xác, tạo hành lang pháp lý cho cuộc đấu tranh chống hành vi lạm dụng tình dục với trẻ em, nhưng cũng không ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội thông thường. Dự thảo ban đầu vẫn đang lấy ý kiến.

"Thực tế, hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thường được xây dựng trên thực tế xét xử, tuy nhiên Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực hơn 1 năm, thực tiễn xét xử chưa đủ để tổng kết các vướng mắc, giúp chúng ta có thể ban hành Nghị quyết. Chúng tôi đã tổng kết các vụ án đã xét xử, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhưng vẫn phải phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống pháp lý của nước ta", Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đánh giá dự thảo được xây dựng một cách có trách nhiệm, đưa ra nhiều gợi mở được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, cũng có những khoảng trống phải tiếp tục bàn thêm. Ví dụ như quy định loạn luân. Theo dự thảo lần 1 đề cập đến khía cạnh cùng huyết thống, nhưng đạo đức của Việt Nam thì rộng hơn, ví dụ cha dượng với con riêng của vợ, bố chồng với con dâu...

Liên quan đến ý kiến đề xuất vụ việc Nguyễn Hữu Linh cưỡng hôn bé gái trong thang máy có thể coi là án lệ cho các vụ án về sau, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng vụ án này vẫn trong quá trình tố tụng, đang điều tra chưa xét xử nên Chánh án không thể đưa ra ý kiến vì vô tình can thiệp vào quá trình xét xử.

Trước đó, rất nhiều vụ việc quấy rối tình dục, dâm ô với trẻ em xảy ra gây bức xúc dư luận, nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật đang thiếu cơ sở pháp lý để xét xử hành vi này.

Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã lấy ý kiến cho Dự thảo lần 1 của Nghị quyết hướng dẫn áp dụng các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 (các tội: Hiếp dâm, Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Cưỡng dâm, Cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, Dâm ô với người dưới 16 tuổi, Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm) của Bộ luật Hình sự 2015.

Tại dự thảo này, các hành vi sờ, hôn... vào bộ phận sinh dục, ngực, mặt, đầu, đùi, mông... của trẻ em có thể bị kết tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi". Những hành vi này nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác. Việc dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi có hành vi như trên với cơ thể của nghi phạm, hoặc người khác; sử dụng các đồ vật tác động vào vùng nhạy cảm trên cơ thể nạn nhân cũng bị coi là dâm ô...

 

Bài và ảnh: Hoàng Dương/Báo Tin tức