11:05 11/11/2022

'Chặn đứng' tin đồn

Những đối tượng tung tin đồn, tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, an ninh đầu tư đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Việc loại bỏ, “chặn đứng” tin đồn cũng là diệt trừ một loại “virus độc hại” phát tán trên không gian mạng.

Thời gian qua, hàng loạt các vụ việc sai phạm, vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông đều đã bị đưa ra ánh sáng. Các “ông lớn” là các tập đoàn, doanh nhân, doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý, nhất là ở các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế - xã hội như chứng khoán, tài chính, bất động sản, thiết bị y tế… bị xử lý là lời khẳng định “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trong xử lý các sai phạm, được dư luận đồng tình. 

Các cơ quan chức năng đã xử lý minh bạch, công khai, nghiêm minh, đúng người đúng tội đối với các sai phạm, từ đó làm trong sạch nền kinh tế, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Quyết định khởi tố các vụ án này do các hành vi vi phạm pháp luật của các bị can, hoàn toàn không có việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã cố tình “bẻ cong”, làm méo mó, lợi dụng việc Bộ Công an xử lý các vụ án này để phát tán, đăng tải nhiều tin giả, tin sai sự thật liên quan đến kinh tế, đặc biệt là với các lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, tài chính, tiền tệ, bất động sản… nhằm thực hiện dã tâm gây kích động, hòng làm sai lệch bản chất sự việc. Nguy hiểm hơn là gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đặc biệt, gần đây, xuất hiện một số thông tin cho rằng sau vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Bộ Công an sẽ tiến hành xử lý tiếp một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân lớn. Tin đồn này đã gây nhiễu loạn, khiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp hoang mang lo lắng, ảnh hưởng tiêu cực, gây tổn hại đến tình hình kinh tế, khiến Bộ Công an phải lên tiếng. 

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, khẳng định, đây là “thông tin giả, thông tin thất thiệt, sai sự thật”. Bộ Công an sẽ tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác, gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, an ninh đầu tư. Đề nghị người dân không tin, không nghe, không lan truyền các thông tin thất thiệt; tiếp nhận các thông tin chính thống từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Thực tế, trong thời gian qua, Bộ Công an đã xử lý, khởi tố bắt giam nhiều đối tượng tung tin đồn, đưa tin giả, tin không chính xác, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, thị trường tài chính, ngân hàng. Có thể nêu ra ở đây vụ điển hình là việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khởi tố bị can, bắt khẩn cấp Đặng Như Quỳnh (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hồi tháng 4, để điều tra về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân", quy định tại điều 331 Bộ Luật Hình sự.

Cơ quan điều tra xác định bị can Đặng Như Quỳnh đã có hành vi đăng tải các thông tin thất thiệt trên trang Facebook có hàm ý một số cá nhân là đại diện của các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán sắp bị bắt, xử lý hình sự, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm thiệt hại về kinh tế, uy tín của tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư. Việc Đặng Như Quỳnh đăng tải thông tin thất thiệt trên cũng vào thời điểm sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án tại Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh. Ngày 27/10, Toà án nhân dân quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) đã tuyên phạt 2 năm tù đối với bị cáo Đặng Như Quỳnh.

Như vậy, tung tin thất thiệt, nhất là thông tin xấu độc, gây hoang mang dư luận xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, các đối tượng sẽ bị phạt tiền (xử phạt hành chính) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Nhưng để “tin đồn” không có “cửa” tấn công, gây ảnh hưởng tiêu cực, thì mỗi người cần phải luôn tỉnh táo trước các luận điệu sai trái, bôi nhọ, kích động, không hùa theo kiểu “hội chứng đám đông”, nhất là khi sử dụng mạng xã hội.

Việc xây dựng không gian mạng an toàn cũng cần được đẩy mạnh, mà trong đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp hữu hiệu để quản lý. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, diệt trừ virus xấu độc – “virus tin đồn”, không để phát tán trên không gian mạng, từ đó góp phần hiệu quả “chặn đứng” tin giả, tin sai sự thật.

Đặc biệt, với các loại tin đồn thất thiệt trong lĩnh vực kinh tế như trên, cách hữu hiệu để loại bỏ, chính là phát triển lành mạnh nền kinh tế, có những doanh nghiệp, doanh nhân “đầu tàu” thật “mạnh khoẻ”; ngăn chặn từ sớm, từ xa những sai phạm, để kẻ xấu không có cơ hội lợi dụng, xuyên tạc, bóp méo.

Người dân và doanh nghiệp cũng kỳ vọng “Thời gian tới, Chính phủ sẽ phát triển, lành mạnh hoá, củng cố niềm tin nhà đầu tư với các thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, bất động sản. Thông điệp của Đảng và Nhà nước là không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự và bảo vệ doanh nhân kinh doanh chân chính”, như lời khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 mới đây.

Xuân Phong