10:15 31/10/2011

Chân dung hai giám đốc siêu lừa

Cả tin lời hứa hão huyền của hai giám đốc Nguyễn Cảnh Phương và Dương Hoài Châu, hàng chục người đã trở thành nạn nhân của vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới 7 tỷ 450 triệu đồng và 319 nghìn USD.

Cả tin lời hứa hão huyền của hai giám đốc Nguyễn Cảnh Phương và Dương Hoài Châu, hàng chục người đã trở thành nạn nhân của vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới 7 tỷ 450 triệu đồng và 319 nghìn USD.

Thành lập công ty tư nhân và trở thành giám đốc, thế nhưng Nguyễn Cảnh Phương và Dương Hoài Châu lại không nghĩ cách phát triển công ty của mình theo hướng đã chọn, mà chỉ dùng "mác" Giám đốc công ty của mình để nghĩ cách làm giàu bất chính. Cả tin lời hứa hão huyền của hai giám đốc này, hàng chục người đã trở thành nạn nhân của vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới 7 tỷ 450 triệu đồng và 319 nghìn USD.


Bốn vụ lừa kiếm được 7 tỷ 450 triệu đồng


Nguyễn Cảnh Phương, 36 tuổi, trú tại khu đô thị mới Đại Kim, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Trước khi phạm tội, Phương là Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác thương mại y khoa Hà Nội. Sau khi thành lập công ty, Phương không quan tâm tới việc phát triển công ty như thế nào mà lại mạo nhận mình là Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng ở Hà Nội.


Lợi dụng sự quen biết với một số người dư dả về tiền bạc, Phương tìm đến họ và đặt vấn đề vay tiền với lãi suất cao hơn ngân hàng để đáo hạn cho khách hàng. Người đầu tiên bị Phương lừa là anh Nguyễn Quang Hưng, ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Nghe những điều Phương nói rất đúng với quy định của ngành Ngân hàng, anh Hưng không hề nghi ngờ và đã chuyển cho Phương số tiền 2 tỷ đồng.


Thấy hành vi lừa đảo quá dễ dàng, Phương tiếp tục nghĩ ra chiêu thức khác để có được số tiền lớn hơn. Nạn nhân lần này của Phương là chị Trịnh Thị Anh Tuấn, ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Vẫn xưng danh mình là Giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Hà Nội, Phương nói có con tàu "Cảnh Phương 08", muốn bán cho chị Tuấn. Tưởng thật, chị Tuấn đã chuyển cho Phương số tiền 3 tỷ 400 triệu đồng.


Trước khi thực hiện vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của anh Hưng và chị Tuấn, Phương đã rủ anh Hoàng Văn Chuyền, ở huyện An Lão, TP Hải Phòng góp tiền mua con tàu "Cảnh Phương 08". Biết anh Chuyền không có được số tiền lớn như hai nạn nhân trước, nên Phương chỉ yêu cầu anh Chuyền đóng góp số tiền vừa phải để anh Chuyền thấy hợp lý mà nghe theo.


Tàu mua xong với giá hơn 6 tỷ đồng, anh Chuyền góp vốn cho Phương 200 triệu đồng. Sau khi mua tàu, Phương yêu cầu anh Chuyền góp tiếp 850 triệu đồng để sửa chữa tàu và chuyển lĩnh vực khai thác hiệu quả hơn. Anh Chuyền góp tiếp cho Phương số tiền 850 triệu đồng. Sau khi tàu "Cảnh Phương 08" sửa chữa xong, Phương tuyên bố không cho anh Chuyền góp vốn chung tàu nữa.


Anh Chuyền đòi tiền thì Phương đã khất nợ và lấy ôtô của người khác đem thế chấp cho anh Chuyền. Ít ngày sau, Phương bán tàu thu hết tiền rồi bỏ trốn. Cũng trong thời gian này, Phương còn sử dụng mác Giám đốc công ty của mình để lừa chị Phùng Thị Út, ở quận Đống Đa, TP Hà Nội số tiền hơn 1 tỷ đồng thông qua việc mua bán căn hộ chung cư. Với hai tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ngày 29/10, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Phương 21 năm tù giam.


Nguyễn Cảnh Phương và Dương Hoài Châu.



Kiếm được 319.000 USD do lừa 16 nạn nhân


Dương Hoài Châu, 50 tuổi, trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Trước khi phạm tội, Châu là Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại Thái - Việt. Nạn nhân nữ duy nhất trong số rất nhiều nạn nhân của Châu là chị Nguyễn Thị Thắm, ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.


Kết quả điều tra cho thấy, Vũ Đức Nam, ở Hà Nội về thăm quê và ghé qua nhà chị Thắm chơi. Thấy gia cảnh chị Thắm khó khăn nên Nam đã hứa giúp đỡ để chị sang Hàn Quốc lao động với lương tháng hàng chục triệu đồng. Cầm cố nhà đất, chị Thắm đưa trước cho Nam 250 triệu đồng trong tổng số 22.000 USD chi phí mà Nam yêu cầu chị phải nộp cho chuyến đi.


Tiền đưa rồi mà chờ mãi mà chẳng thấy giấy báo đi Hàn Quốc lao động, chị Thắm nhiều lần thúc giục thì Nam bố trí chị sang Indonesia theo đường du lịch. Đế lúc này, chị mới biết mình chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân đã bị Nam lừa.


Giống như tình cảnh của chị Thắm, anh Trần Văn Hồng, ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cũng là nạn nhân trong vụ lừa đảo này. Do có quen biết với em của Phạm Đình Hạnh, ở tỉnh Nghệ An nên anh Hồng được tư vấn sang làm việc tại Australia để có thu nhập cao.


Muốn thoát cảnh nghèo nên anh Hồng đã đưa cho Hạnh 20.500 USD để hy vọng có cuộc sống khấm khá hơn sau vài năm đi lao động xuất khẩu. Khi được đưa sang Indonesia theo đường du lịch, anh Hồng cùng nhiều nạn nhân khác mới biết đã bị lừa… Cơ quan điều tra xác định, trong vụ án này, Dương Hoài Châu đã đứng sau để chỉ đạo hành vi lừa đảo 16 nạn nhân xuất khẩu lao động.


Chỉ trong hơn một năm, Châu đã lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của những người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài để chiếm đoạt 319.000 USD, thông qua bảy đầu mối, trong đó có Vũ Đức Nam và Phạm Đình Hạnh. Mặc dù công ty của Châu không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng Châu vẫn thông báo với nhiều người rằng, có thể đưa được người sang một số nước làm việc với mức lương cao trong thời gian từ 3 - 5 năm.


Từ thông tin không đúng sự thực của Châu, một số đối tượng tiếp tay cho Châu cùng nhau đứng ra thu của những người có nhu cầu xuất khẩu lao động số tiền từ 20.500 - 22.000 USD/người để hưởng lợi bất chính. Sau khi lừa được nhiều nạn nhân, Châu đặt một tour du lịch sang Indonesia.


Khi các nạn nhân tới Indonesia, Châu cầm hộ chiếu của họ rồi "lặn" luôn. Ngày 29/10, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Dương Hoài Châu tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt chiếm đoạt tài sản.



Theo cand