09:11 20/09/2012

Chấn chỉnh 'thói hư' của du lịch vịnh Hạ Long

Tình trạng chặt chém, đeo bám khách du lịch trên vịnh Hà Long đã khiến nhiều khách du lịch cũng như dư luận bất bình. Vì vậy cần sự vào cuộc mạnh tay hơn nữa của chính quyền địa phương.


Sự việc thuyền trưởng Phạm Văn Thương của tàu du lịch Cường Thịnh QN 2998 bị một đối tượng hành hung làm trọng thương vì anh này đã ngăn cản hành vi đeo bám khách trên vịnh Hạ Long vào ngày 18/9 khiến dư luận càng bất bình với các vấn nạn của du lịch vốn đã tồn tại khá lâu ở đây. Người dân đất Mỏ đang mong chờ chính quyền địa phương vào cuộc mạnh hơn nữa, quyết dẹp bỏ các các điểm đen, vết bẩn của du lịch để bảo vệ hình ảnh di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.


Ba Hang - làng “chặt chém” hải sản 


Từ khi công bố vào tháng 7/2012 đến nay, đường dây nóng du lịch Quảng Ninh liên tục nhận được các thông tin phản ánh những bức xúc của du khách về các vấn nạn trong du lịch, nhất là nạn đeo bám, chèo kéo khách và bắt chẹt về giá của một số loại hình dịch vụ kinh doanh ở khu du lịch Bãi Cháy cũng như trên vịnh Hạ Long. Điểm nóng nhất là làng chài Ba Hang thuộc phường Hùng Thắng, TP.Hạ Long, được mệnh danh làng “chặt chém” về giá các hải sản trên vịnh.

Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Quảng Ninh cho biết: Ba Hang là làng chài tự phát, có khoảng 30 hộ dân. Phần đông là đánh bắt hải sản. Sau này khi nhiều du khách đến thăm làng chài, các hộ đã kinh doanh việc bán hải sản cho du khách. 


Hòn Ấm có hình dáng vẻ đẹp thiên tạo luôn thu hút khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Phía Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch khẳng định: Điểm kinh doanh Ba Hang không nằm trong danh mục điểm dịch vụ, điểm bán hải sản mà tỉnh công bố, nên bất kỳ việc tàu, thuyền du lịch nào ghé và để khách du lịch vào tham quan làng chài này là vi phạm chỉ thị số 11 ngày 22/6/2012 của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế xuất hiện tình trạng các chủ nhà bè hợp tác với nhiều chủ tàu, thuyền trưởng đưa khách vào mua hải sản và chặt chém du khách. Theo nhiều du khách phản ánh, họ không chỉ bị mua đắt mà còn bị cân thiếu về lượng.


Những câu chuyện về du khách đã từng phải ăn bữa cá biển với giá 5 hay 7 và thậm chí cá biệt là 10 triệu đồng/con trở lên phổ biến. Ngoài ra, tại khu vực làng chài này, người dân thường xuyên chèo kéo, đeo bám khách du lịch tạo nên một hình ảnh phản cảm cho du khách.

Nhiều tàu nghiêm túc đi đúng lịch trình, không ghé vào làng chài Ba Hang thì bị người dân đi đò máy đeo đuổi, đòi lên tàu hoặc bắt tàu dừng lại để bán hàng cho khách du lịch. Điển hình, trưa 18/9, Đỗ Văn Hải (sinh năm 1987, trú ở làng chài Ba Hang) khi bị thuyền trưởng tàu QN 2998 Phạm Văn Thương (thuộc Công ty du lịch Cường Thịnh) từ chối không cho tiếp cận với khách du lịch người nước ngoài đã có hành vi côn đồ hành hung vị thuyền trưởng này đến trọng thương.


Ông Vũ Đức Bình, chủ tàu Cường Thịnh bức xúc, tình trạng đeo bám, chèo kéo và “chặt chém” về giá cả đối với du khách của một số người kinh doanh trên vịnh Hạ Long rất đáng lên án. Giờ đây khi bị các tàu ngăn cản hành vi đáng xấu hổ này thì người dân làng chài manh động hành hung đe doạ khiến hoạt động kinh doanh du lịch vận tải khách tham quan du lịch bị ảnh hưởng xấu. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc.

Dẹp vấn nạn để nâng tầm kỳ quan

Từ đầu tháng 6/2012, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức "tuyên chiến" với tệ nạn du lịch trên Vịnh Hạ Long và trên bờ bằng việc ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22/6/2012 về tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn.


Trong đó, tỉnh không cho phép rời cảng, không cho tàu du lịch đưa khách đến các điểm dịch vụ, điểm bán hải sản...chưa được công bố trên vịnh Hạ Long; Ngăn chặn vấn nạn đeo bám, chèo kéo khách du lịch và chặt chém về giá cả. Tuy nhiên, nhiều người dân kinh doanh tại làng chài trên vịnh Hạ Long phản ứng với chủ trương này.

Việc tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trong làng chài để duy trì và phát triển văn hoá làng chài trên biển phục vụ phát triển du lịch, tổ chức lại sản phẩm văn hoá du lịch làng chài là cần thiết, góp phần tạo ra sự đặc sắc, đa dạng cho di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.


Tuy nhiên, các làng chài cần phải được hình thành, quản lý chặt chẽ, tạo dựng được nét văn minh, ấn tượng tốt với du khách. Hành động đánh thuyền trưởng trọng thương xảy ra đúng thời điểm tỉnh đang quyết liệt chấn chỉnh các hoạt động, kinh doanh du lịch trên vịnh đi ngược lại với những nỗ lực của tỉnh nhằm xây dựng một hình ảnh đẹp cho du khách tham quan vịnh.


Chính vì vậy, nhiều người phản ứng cần phải thực hiện nghiêm theo đúng tinh thần chỉ thị 11 là cấm việc neo đậu của các tàu du lịch tại địa điểm này. Về luật là tàu du lịch chỉ được phép neo đậu tại những điểm an toàn và phải được cơ quan chức năng cho phép.

Một lần nữa cho thấy, việc chấn chỉnh hoạt động du lịch trên vịnh lại đặt ra cấp thiết. Tỉnh Quảng Ninh đã công bố công khai đường dây nóng tại các điểm du lịch để nhận phản ánh từ du khách. Sắp tới, Quảng Ninh sẽ có nhiều động thái tích cực hơn như: ra mắt lực lượng thanh tra du lịch trực thuộc UBND tỉnh để xử lý các vấn đề du khách phản ánh; Công bố bản quy chế quản lý kinh doanh du lịch vịnh Hạ Long.


Mặt khác, TP. Hạ Long cũng gấp rút triển khai đề án di dời các hộ dân đang sinh sống trên vịnh lên bờ hoặc đưa vào các vùng quy hoặch nhằm ổn định cuộc sống nhưng vẫn tạo điều kiện để bà con có thể hành nghề trên vịnh, đồng thời phát huy bản sắc của làng chài thành sản phẩm du lịch độc đáo…Quảng Ninh sẽ kiên quyết dừng hoạt động đối với các trường hợp kinh doanh trên Vịnh không đủ tiêu chuẩn quy định để vịnh Hạ Long xứng tầm một di sản - kỳ quan thế giới.



Văn Đức