05:16 10/05/2018

Chấn chỉnh sai phạm trong trồng rừng tại rừng phòng hộ Dầu Tiếng

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh phát hiện có 800 ha của 288 hộ hợp đồng (chiếm 11,5% diện tích rừng trồng), phân bố trên 26 tiểu khu với 428 lô rừng không thực hiện đúng với mô hình thiết kế ban đầu, gây ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng.

UBND tỉnh Tây Ninh vừa có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục làm rõ trách nhiệm và kết quả xử lý cụ thể với từng đơn vị, cá nhân có liên quan đến những sai phạm trong thực hiện mô hình trồng rừng không đúng quy định, dẫn đến chất lượng kém, không đạt mục đích, yêu cầu ban đầu xảy ra tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng thuộc huyện Tân Châu.

Cán bộ kiểm lâm Tây Ninh kiểm tra tại rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Tỉnh cũng thống nhất với đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là buộc các hộ nhận khoán chặt bỏ cây phụ trợ (chủ yếu là cây cao su) trồng trên hàng cây chính (sao, dầu) để trồng dặm lại cây chính theo thiết kế ban đầu. Đồng thời, trồng bổ sung cây phụ trợ (cây cao su, cây ăn trái) trên diện tích đất trống đang sử dụng trồng mì (sắn) theo đúng quy định. Nếu các hộ nhận khoán không chấp hành, cơ quan kiểm lâm sẽ lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật và cưỡng chế chặt bỏ, nhổ bỏ cây cao su, rẫy mì để trồng lại cây rừng.

Sau khi kiểm tra, rà soát lại các mô hình trồng rừng (sao, dầu xen keo lai; sao, dầu xen cao su hoặc cây ăn trái...); trong đó, cây sao, dầu là cây chính với tổng cộng được 6.949 ha tại khu rừng phòng hộ Dầu tiếng từ năm 1988 đến nay, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, đa số diện tích rừng trồng được chăm sóc, bảo vệ, phát triển tương đối tốt, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, cung cấp nguồn gỗ, củi nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng trên địa bàn.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ thiết kết ban đầu, cơ quan chức năng phát hiện có 800 ha của 288 hộ hợp đồng (chiếm 11,5% diện tích rừng trồng), phân bố trên 26 tiểu khu với 428 lô rừng không thực hiện đúng với mô hình thiết kế ban đầu, gây ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng.

Cụ thể, có 341 ha cao su được trồng thay thế trên các lô thiết kế là cây keo lai; có 289 ha cao su được trồng thay thế trên các lô được thiết kế trồng cây chính (sao, dầu); có 135,8 ha cao su trồng vượt định mức so với quy định trồng xen với cây chính và 34,6 ha thay vì phải trồng cây phụ trợ xen với cây sao, dầu, nhưng các hộ nhận khoán chừa lại để sản xuất cây khoai mì.

Tin, ảnh: Lê Đức Hoảnh (TTXVN)