08:10 06/08/2011

Chậm trễ trong việc tái định canh ở Thủy điện Đồng Nai 3

Thủy điện Đồng Nai 3 (Lâm Đồng) đã phát điện nhưng nhiều hộ dân thuộc diện phải di dời nhường đất cho thủy điện vẫn chưa được bố trí đất để sản xuất, dẫn đến hơn một năm qua họ lâm vào cảnh “ thất nghiệp bất đắc dĩ ”...

Thủy điện Đồng Nai 3 (Lâm Đồng) đã phát điện nhưng nhiều hộ dân thuộc diện phải di dời nhường đất cho thủy điện vẫn chưa được bố trí đất để sản xuất, dẫn đến hơn một năm qua họ lâm vào cảnh “ thất nghiệp bất đắc dĩ ”. Sự chậm trễ trong tái định canh đã khiến cho hàng trăm hộ dân rơi vào tình cảnh khó khăn triền miên khi không có đất sản xuất.

Tái định canh: tiến độ “rùa bò ”

Công trình thủy điện Đồng Nai 3 chiếm một diện tích đất rất lớn của Lâm Đồng và Đắk Nông. Tại huyện Di Linh (Lâm Đồng), hàng trăm gia đình nông dân – phần lớn là đồng bào người K’ho ở xã Đinh Trang Thượng đã phải mất đất canh tác vì hầu hết đều nằm trong vùng lòng hồ. Người dân nơi đây sống bằng nghề nông nghiệp, nên không có đất sản xuất đồng nghĩa với việc “ treo nồi cơm”. Do vậy công tác tái định canh là việc quan trọng hàng đầu trong giải phóng mặt bằng. Và với nhận định rõ ràng ấy, ngay từ khi khởi động dự án, chính quyền các cấp ở Lâm Đồng đã chú trọng triển khai tái định canh, thế nhưng đến nay chưa hộ dân nào được nhận đất tái định canh.

Theo UBND huyện Di Linh: Trong tổng số 400 hộ dân bị di dời hiện có 157 hộ đủ điều kiện tái định canh (gồm 100 hộ đồng bào K’ho và 57 hộ đồng bào người Kinh). Để có đất cho dân, ngày 28/5/2010, Ban QLDA thủy điện 6 (Chủ đầu tư Thủy điện Đồng Nai 3) đã được giao đất xây dựng khu tái định canh. Tiếp đến trong 2 ngày: 29/10/2010 và 9/11/2010, sau khi tận thu lâm sản, giải tỏa những hộ đang canh tác nông nghiệp trái phép trên quỹ đất này..., Huyện Di Linh (gồm các đơn vị là Ban quản lý rừng Tân Thượng – đơn vị chủ rừng và Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh) đã bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA thủy điện 6 với tổng diện tích là 163,788 ha đất (gồm 87,026 ha thuộc tiểu khu 661 trên địa bàn xã Đinh Trang Thượng và 76,764 ha thuộc tiểu khu 615 thuộc địa bàn xã Tân Lâm).

Đất sản xuất đã chìm dưới lòng hồ từ lâu nhưng đến giờ dân vẫn chưa được chủ dự án giao đất tái định canh.

Đất đã nhận, thế nhưng Ban QLDA thủy điện 6 rất chậm chạp trong việc “làm sạch đất” và cắm mốc phân lô tái định canh cho dân. Nóng ruột trước tiến độ quá chậm của chủ dự án, chính quyền huyện Di Linh đã liên tục đôn đốc, hỗ trợ cho chủ dự án đẩy nhanh việc hoàn thiện khu tái định cư để cho dân có đất sản xuất, song tình hình không có chuyển biến đáng kể. Ngày 25/2/2011, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc họp về vấn đề này và ra thời hạn trong tháng 3/2011 phải có đất tái định canh giao cho dân. Thế nhưng thời hạn này không được thực hiện. Tiếp đến ngày 26/4/2011, UBND tỉnh Lâm Đồng lại phải chủ trì một cuộc họp nữa với nội dung giải quyết những tồn tại trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thủy điện Đồng Nai 3. Tại cuộc họp này, lãnh đạo UBND tỉnh thêm một lần nữa quyết định ngày 10/5/2011 cắm mốc bàn giao đất cho các hộ dân tái định canh. Và rồi cũng như lần trước, quyết định tiếp tục bị chủ dự án “cho nằm yên trên giấy”. Đến nay, chủ dự án chỉ mới đào gốc cây (trong hạng mục khai hoang) trên đất tái định canh được 5 ha trong tổng số 163,778 ha nên không thể có đất sạch giao cho dân. Và vì thế sau hơn một năm không còn đất canh tác vì việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 3, giờ đây hàng trăm hộ nông dân vẫn “trắng tay” mòn mỏi đợi chờ.

Đừng để dân thêm khó khăn

Vì sao người dân mất đất mỏi mắt ngóng chờ “ quyền lợi hợp pháp” của mình? Theo Ban QLDA thủy điện 6, lý do là phần lớn đất làm khu tái định canh đang bị dân lấn chiếm nên không triển khai đúng tiến độ theo yêu cầu của tỉnh.

Ông Tạ Văn Thành – Trưởng Ban đền bù – giải phóng mặt bằng huyện Di Linh bức xúc cho biết: Toàn bộ diện tích đất được giao làm khu tái định canh là đất lâm nghiệp, trước khi giao đất cho Ban QLDA thủy điện 6, huyện đã tiến hành giải tỏa những hộ lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên Ban QLDA thủy điện 6 không quản lý đất được giao mà tiếp tục để cho dân tái lấn chiếm. Tuy nhiên vì lo cho dân, vì thủy điện Đồng Nai 3, UBND huyện Di Linh tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, giải tỏa giúp cho chủ dự án. Thế nhưng, Ban QLDA thủy điện 6 vẫn không tập trung đẩy nhanh tiến độ. Khi có sự phản ứng của những người dân lấn chiếm trái phép, Ban QLDA thủy điện 6 không báo cáo kịp thời cho huyện để huyện hỗ trợ mà thường để sau đó một thời gian mới báo cáo. Có thể nói cách làm của chủ dự án là không chấp nhận được.

Về phía Ban QLDA thủy điện 6 thì cho rằng: Chậm trễ giao đất tái định canh cho dân không phải lỗi của riêng họ mà còn do chính quyền huyện Di Linh thiếu phối hợp trong việc giải tỏa những hộ dân tái lấn chiếm, gây khó khăn cho chủ dự án... Đồng thời, Ban QLDA thủy điện 6 cũng nêu ra một lý do khác khiến dân chưa có đất, đó là: “Ngày 9/5/2011, Ban QLDA thủy điện 6 đã phối hợp với nhà thầu thi công cắm xong mốc phân lô cho 150 ha (138 lô) theo yêu cầu của huyện. Ngày 11/5/2011, Ban QLDA thủy điện 6 đã có công văn gửi cho UBND huyện Di Linh đề nghị tổ chức bốc thăm chia đất cho dân nhưng đến nay việc này UBND huyện Di Linh vẫn chưa thực hiện”. Thế nhưng, UBND huyện Di Linh phản bác lý do này và cho rằng đây là cách làm thiếu trách nhiệm, không đúng yêu cầu, không tôn trọng dân và đùn đẩy “gian khó về cho dân” bởi lẽ đất canh tác chưa khai hoang xong (mới chỉ có 5 ha được dọn gốc cây) thì đất ở đâu chia cho dân?

Sự chậm chạp này đã khiến cho hàng trăm hộ dân (trong đó gần gần 75% là đồng bào K’ho) rơi vào tình cảnh khó khăn triền miên khi không có đất sản xuất, chính quyền các cấp ở Lâm Đồng cũng lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vì làm sao cho dân sớm có đất sản xuất, ổn định lòng dân… lại không ảnh hưởng đến việc sản xuất điện chung cho quốc gia. Điều quan trọng nhất hiện nay không phải là đổ lỗi cho nhau mà là cần phối hợp chặt chẽ với nhau để cho người dân sớm có đất sản xuất.

Đặc biệt, Ban QLDA thủy điện 6 phải tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ khai hoang để đảm bảo có đất cho dân sản xuất càng sớm càng tốt. Thay vì lo làm đường vào khu tái định canh và những hạng mục hạ tầng khác chưa bức thiết như hiện nay chủ dự án đang làm thì trước mắt chủ dự án nên tập trung đào sạch gốc (cây rừng đã được tận thu gỗ), phân lô và chia đất sạch cho dân, xây dựng 2 hồ thủy lợi phục vụ cho 2 khu tái định canh này… UBND huyện Di Linh cũng tăng cường hỗ trợ cho chủ dự án giải tỏa những hộ dân đang lấn chiếm, sản xuất trái phép trên các khu tái định canh, có hướng giải quyết đất cho những hộ dân tại chỗ thực sự không có đất sản xuất dẫn đến lấn chiếm đất trái phép ở hai khu tái định canh…

Phan Văn Đông