04:09 12/04/2012

Chậm trễ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 176/QĐ - TTg ngày 29/1/2010.

Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 176/QĐ - TTg ngày 29/1/2010. Theo đó, Nhà nước chủ trương khuyến khích ngành nông nghiệp tập trung vào việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp CNC, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và xây dựng vùng nông nghiệp CNC. Nhưng, để ngành nông nghiệp sớm chuyển mình theo hướng CNC, đòi hỏi cơ chế cần rõ ràng hơn nữa.

Lúng túng xây dựng khu nông nghiệp CNC

Tại buổi họp đánh giá tình hình triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hôm qua (11/4), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhận xét: Tiến độ thực hiện Đề án này còn chậm.

Về phát triển khu nông nghiệp CNC, đến nay, mới chỉ có khu nông nghiệp CNC của TP Hồ Chí Minh với 90 ha triển khai và bước đầu hoạt động có hiệu quả. Còn các địa phương đều đang xây dựng kế hoạch hoặc xin chủ trương của Chính phủ để triển khai như Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên, Nghệ An, Bình Dương, Gia Lai, Hậu Giang.

Chăm sóc cây khoai tây sau khi chuyển từ phòng mô ra tại Xí nghiệp sản xuất giống cây trồng Nậu Phó, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN


“Việc phát triển khu nông nghiệp CNC không thể làm tràn lan. Cả nước chỉ nên có khoảng 7 - 12 khu nông nghiệp CNC. Phải chọn nơi có điều kiện thuận lợi. Riêng vùng sản xuất nông nghiệp CNC phải chọn nơi có sản phẩm chủ lực và đóng góp nhiều cho xuất khẩu. Ví dụ: Sản xuất hoa và rau CNC ở Đà Lạt, cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long và cà phê ở Tây Nguyên...”.
(Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng)

Nguyên nhân hàng đầu của tình trạng chậm trễ này là chưa có các hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ liên quan đến phát triển vùng, khu nông nghiệp CNC. Theo ông Nguyễn Văn Chinh, Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), một bất cập hiện nay là trong khi chính sách hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, giao thông... cho các khu công nghiệp, khu đô thị quy định rất rõ nhưng lại thiếu cơ chế chính sách cho việc phát triển khu nông nghiệp CNC.

Ví dụ, Đề án chưa nêu rõ cơ chế hỗ trợ cụ thể về thuế, đất đai nên gây khó khăn cho địa phương và hạn chế việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư. “Đơn cử như ở Mộc Châu, UBND tỉnh Sơn La cho biết sẵn sàng bỏ 200 ha quy hoạch và mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Nhưng khi bắt tay vào triển khai lại vướng, nhiều quy định hỗ trợ chưa rõ ràng”, ông Chinh nói.

Về phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC cũng còn hạn chế. Cả nước mới chỉ có 3 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng CNC. Theo PGS. TS Nguyễn Tấn Hinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân của hạn chế này là quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC hiện đã có trong Luật Công nghệ cao và một số văn bản khác nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, nhất là các văn bản hướng dẫn của từng bộ, ngành.

Đầu tư nghiên cứu sản phẩm nông nghiệp CNC

Sau hơn 2 năm Đề án được phê duyệt, đến nay, cả nước đã hình thành được một số mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC như: mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa và cây cảnh tại TP Hồ Chí Minh; trồng hoa và rau an toàn ứng dụng CNC tại Bắc Ninh và Hà Nội; sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu, nuôi cá tra sạch tại đồng bằng sông Cửu Long...

Mặc dù vậy, đánh giá tổng thể, lãnh đạo Vụ Khoa học - công nghệ và môi trường vẫn cho rằng hiện chưa có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC có hiệu quả. Bởi, “việc đầu tư cho nghiên cứu CNC trong nông nghiệp đã được Bộ NN&PTNT quan tâm nhưng vốn đầu tư và cả nhân lực cho việc nghiên cứu này còn hạn chế”, ông Nguyễn Tấn Hinh nói.

Trước mắt, để phục vụ cho việc nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp CNC, Nhà nước phải có chính sách nhập khẩu các loại công nghệ, thiết bị phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước. Bên cạnh việc nhập khẩu, để tránh bị lệ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, theo lãnh đạo Vụ Khoa học - công nghệ và môi trường, về lâu dài phải có chiến lược đầu tư trong nghiên cứu để tự chủ về công nghệ.

Mạnh Minh