06:21 03/06/2018

Chăm sóc người cao tuổi là cơ sở vững chắc cho sự phát triển trong tương lai

Tối 3/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (6/6) với chủ đề “Chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”.

Dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Vũ Oanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai biểu dương người cao tuổi cả nước và các cấp Hội đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoan nghênh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đã có những đóng góp hiệu quả vào việc chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi trong những năm qua.

Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, người cao tuổi Việt Nam luôn là những người lao động cần cù, sáng tạo góp phần xây dựng quê hương, đất nước; dám quên mình chiến đấu hy sinh chống ngoại xâm vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Sau khi đất nước thống nhất, người cao tuổi tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bà Trương Thị Mai khẳng định: Suốt nhiều năm qua, người cao tuổi đã cống hiến, hy sinh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, an ninh, quốc phòng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh…

Từ thực tế cho thấy, rất nhiều người cao tuổi đã trở thành hạt nhân trong các phong trào, là chỗ dựa tinh thần cho gia đình, bản làng, tổ dân phố, cộng đồng dân cư. Nhiều người cao tuổi là già làng, trưởng bản, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận có uy tín cao, là lực lượng không thể thiếu trong hệ thống trị, nhất là ở cơ sở. 

Bà Trương Thị Mai nêu rõ: Hiện nay, đời sống của nhân dân nói chung và người cao tuổi nói riêng đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn một bộ phận người dân trong đó có nhiều người cao tuổi còn rất khó khăn: nhà cửa dột nát, phải lo bữa ăn từng ngày, có bệnh không dám đi khám chữa bệnh vì không có tiền...

Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa dân số, đặt ra yêu cầu về chất lượng cuộc sống, khả năng thích ứng của người cao tuổi đối với cuộc sống. Vì vậy, việc chăm sóc người cao tuổi là trách nhiệm của toàn xã hội, là cơ sở vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

Để phát huy vai trò của người cao tuổi trong giai đoạn mới, tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, làm nòng cốt trong phong trào chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ, ban, ngành, đoàn thể và Hội Người cao tuổi tiếp tục có những giải pháp cụ thể, góp phần cùng Đảng và Nhà nước đẩy mạnh sự nghiệp chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi; cùng cả nước chung tay vì sự nghiệp chăm sóc để người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Hội Người cao tuổi Việt Nam qua 22 năm phát triển đã quy tụ khoảng 9 triệu hội viên, chiếm tỷ lệ trên 90% tổng số người cao tuổi cả nước. Hội luôn chủ động phối hợp với các cơ quan tham gia xây dựng pháp luật, chế độ, chính sách, nhất là những vấn đề liên quan đến chăm sóc, quyền, lợi ích hợp pháp và phát huy vai trò người cao tuổi.

Các phong trào như: "Xóa nhà dột nát cho người cao tuổi nghèo khó", “Một triệu áo ấm tặng người cao tuổi nghèo”, “Mắt sáng cho người cao tuổi”, “Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”... đã kết nối vòng tay thân ái, chia sẻ, giúp đỡ hàng trăm ngàn người cao tuổi trong cả nước.

Các phong trào này cũng góp phần cổ vũ, động viên người cao tuổi trên cả nước tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp, góp phần ổn định chính trị, xã hội ở cơ sở, làm tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Hội cũng đã tích cực, chủ động công tác đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua hoạt động của Hội, rất nhiều người cao tuổi đã trở thành hạt nhân trong các phong trào từ cơ sở, là nòng cốt trong các tổ hòa giải, là chỗ dựa tinh thần cho gia đình, làng xóm, cộng đồng.

Nhiều già làng và người cao tuổi đã trở thành lực lượng không thể thiếu bên cạnh lãnh đạo Đảng, chính quyền; đã có hàng vạn người cao tuổi được vinh danh vì có thành tích tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, làm kinh tế giỏi. Nhiều nhà khoa học, nghệ nhân, nghệ sĩ, thầy giáo, thầy thuốc, lãnh đạo đơn vị kinh tế, lão nông tri điền… là người cao tuổi đang tiếp tục có những công trình, đề tài nghiên cứu, sáng kiến, kinh nghiệm, việc làm tốt đóng góp cho sự phát triển của quê hương đất nước, nêu gương sáng trong gia đình và xã hội.

Đỗ Bình (TTXVN)