10:12 28/10/2019

Chậm giải ngân sẽ ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội

Giải ngân vốn đầu tư công hiện nay còn rất chậm, không có nhiều chuyển biến khi 9 tháng năm 2019 mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua và đạt 50,93% cùng kỳ năm trước.

Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) xung quanh vấn đề chậm giải ngân và các giải pháp giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thưa đại biểu, việc chậm giải ngân ảnh hưởng thế nào tới phát triển kinh tế nói chung và địa phương nói riêng?

Tôi cho rằng đây là một vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chậm giải ngân không chỉ trong năm 2019 này mà từ nhiều năm trước vẫn tồn tại cho tới hôm nay. Điều này sẽ có thể vẫn tiếp diễn cho những năm tiếp theo.

Vì thế, Chính phủ cần vào cuộc chỉ đạo quyết liệt và quy trách nhiệm với chủ đầu tư để khi phân bổ vốn của Chính phủ cũng như vốn của địa phương giải ngân cho sớm, đúng kế hoạch.

Theo quy luật, đồng tiền phải quay vòng mới phát triển và sinh lời giúp tăng trưởng kinh tế theo chu kỳ, theo từng thời gian. Do đó, việc chậm giải ngân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018- 2019 theo báo cáo của Chính phủ rất ấn tượng, nhưng nếu giải ngân tỷ lệ cao hơn được 2/3 trong tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thì tăng trưởng kinh tế sẽ còn cao hơn nữa.

Đại biểu có thể nói rõ hơn về nguyên nhân và biện pháp khắc phục trong thời gian tới?

Chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều nguyên nhân, trong báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu rõ. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề cốt lõi cần phải làm rõ để đưa ra biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể như chậm giải ngân trong vốn đầu tư do tư vấn thiết kế từ ban đầu chưa cụ thể, chưa rõ ràng và chưa chính xác con số, phải điều chỉnh nhiều lần.

Đáng lưu ý, nguyên nhân nữa dẫn đến chậm giải ngân là giải phóng mặt bằng. Theo tôi, đây là nguyên nhân chính hiện nay dẫn đến giải ngân chậm vì có những dự án đã có vốn nhưng thi công lại không hoàn chỉnh mà lý do vướng mắc từ khâu giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, vấn đề cốt lõi khiến chậm giải ngân đầu tư công là chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị thi công chưa có sự phối hợp ăn ý nhịp nhàng với nhau. Khi dự án đã được phân công phê duyệt thì tư vấn thiết kế phải vào cuộc đôn đốc quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Hơn nữa, có những trường hợp đã được phê duyệt vốn nhưng tư vấn thiết kế chưa xong hoặc khi tư vấn thiết kế xong thì kéo dài thêm nửa năm đến một năm thì không thể thi công được.

Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân khiến chậm giải ngân. Nhưng để việc giải ngân vốn hiệu quả thì điều tiên quyết phải quan tâm tới là giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, việc đầu tư vốn trung hạn, vốn hàng năm đã có dự án và được Quốc hội thông qua, Hội đồng nhân dân cũng đồng ý thì việc chuẩn bị đầu tư và tư vấn thiết kế công trình xây dựng cơ bản cần thực hiện hoàn hảo, cụ thể.

Theo đại biểu, năm 2020 cần rút kinh nghiệm gì trong việc phân bổ phương án ngân sách vốn Trung ương để việc giải ngân đạt hiệu quả?

Giải pháp hiện đã có nhiều nhưng theo tôi đến thời điểm hiện tại mà dự án cho năm 2020 vẫn chưa giải phóng mặt bằng được thì năm tới không thể giải ngân được.

Chính vì thế, ngay từ năm 2019 này, phải tập trung giải phóng mặt bằng công trình dự án cho tốt, tập trung vào vấn đề cốt lõi. Mặt khác, tư vấn thiết kế cho các công trình của năm 2020- 2021 đã hoàn chỉnh hay chưa, cần bổ sung thêm điều gì nữa không? Bởi đã có quyết định đầu tư mà tư vấn thiết kế chưa hoàn chỉnh, cứ chỉnh sửa nhiều lần, bổ sung liên tục thì không thể giải ngân được.

Ngoài ra, đơn vị quản lý nhà nước đối với chủ đầu tư phải tích cực, thường xuyên kiểm tra đôn đốc nhắc nhở, thậm chí phải có hình thức xử lý về mặt hành chính đối với đơn vị chủ đầu tư thực hiện giải ngân chậm.

Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Uyên Hương - Thành Trung (TTXVN)