04:17 10/04/2015

Cha mẹ ý thức, con trẻ an toàn

Từ ngày 10/4, cơ quan chức năng kiên quyết xử phạt vi phạm không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi khi tham gia giao thông.

Trái với tình trạng "phớt lờ" quy định, vô tư đưa, đón con em "đầu trần" tới trường trên môtô, xe gắn máy như những ngày trước, sáng 10/4, ghi nhận tại một số trường học cho thấy, ý thức thực hiện quy định này của phụ huynh, học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội khá cao.

7 giờ 15 phút sáng 10/4, phía trước cổng trường tiểu học Tô Hoàng (Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội) tấp nập cảnh phụ huynh đưa con em tới trường. Nhìn qua cũng thấy, quy định của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi khi tham gia giao thông được học sinh và các phụ huynh nghiêm túc chấp hành.

Cảnh sát giao thông tiến hành dừng xe, sau đó nhắc nhở học sinh phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Các trẻ từ trên xe máy bước xuống đường vui vẻ tháo mũ bảo hiểm, trao lại cho cha mẹ rồi vai khoác ba lô chạy vội vào trường cho kịp giờ học.

Nói về việc chấp hành nghiêm túc quy định của mình, nhiều phụ huynh học sinh chia sẻ: Khi biết từ ngày 10/4, cơ quan chức năng kiên quyết xử phạt vi phạm không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi khi tham gia giao thông, họ đã chú ý hơn trong việc chấp hành luật giao thông.

Bên cạnh đó, là ý thức rất cao của con trẻ khi các em chủ động "đòi" được đội mũ bảo hiểm. Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Tuấn, phụ huynh học sinh lớp 2 trường Tiểu học Tô Hoàng, nhà anh ở phố Bạch Mai, cách trường học chỉ một đoạn đường ngắn chưa đầy 100m nên thường ngày, 2 bố con "đầu trần" đưa nhau đến trường cho đỡ lỉnh kỉnh.

Nhưng cách đây 3 ngày, cậu con trai anh nằng nặc yêu cầu bố phải đội mũ bảo hiểm cho cả hai bố con khi đến trường, nếu không có mũ bảo hiểm thì... ở nhà.

“Cháu bảo cô giáo dặn đến trường phải đội mũ bảo hiểm cho an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm mới là học sinh ngoan. Cô còn bảo, có mũ bảo hiểm thuận tiện tránh mưa, nắng trong mùa hè này. Nghe cháu nói thế thấy cũng phải, được đội mũ bảo hiểm, các con sẽ có ý thức tốt hơn về an toàn giao thông. Bố mẹ cũng yên tâm hơn, lại tránh những phiền phức không đáng có nên tôi đã mua mũ bảo hiểm cho cháu”, anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, anh Tuấn cũng cho rằng, khi cho con đội mũ bảo hiểm, phụ huynh cũng có ý thức hơn trong việc chấp hành luật giao thông.

Chia sẻ việc thực hiện quy định này, chị Ngô Thị Xuyến, một phụ huynh học sinh nhà ở ngõ Tô Hoàng có con theo học tại trường tiểu học Lê Văn Tám (Tạ Quang Bửu, Bách Khoa, Hà Nội) cho hay: "Nhà chúng tôi chỉ cách trường có vài trăm mét, đường từ nhà đến lớp chỉ là vòng qua ngã tư một đoạn đường nên thấy việc đội mũ bảo hiểm cho cháu thật bất tiện, phiền toái. Nhưng khi nghe đề cập đến những nguy cơ trong việc không đội mũ bảo hiểm cho con trẻ và vi phạm này nếu tiếp tục tái diễn sẽ bị xử phạt vào ngày 10/4, nên tôi đã mua mũ bảo hiểm cho con".

Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng trường tiểu học Tô Hoàng Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Nhà trường đã tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh đội mũ bảo hiểm từ giữa tháng 3, nhằm nâng cao ý thức cho các em học sinh trong việc chấp hành luật giao thông, trước hết là để các em có ý thức tốt hơn về an toàn giao thông, giữ an toàn giảm thiểu tai nạn cho chính các em, đặc biệt là chấn thương sọ não.

Từ Hiệu trưởng, Ban giám hiệu đến các thầy cô giáo chủ nhiệm đều phổ biến hướng dẫn tất cả các học sinh trong trường. Với những em không có mũ bảo hiểm, nhà trường sẽ nhắc nhở, xét hạnh kiểm. Cách làm này khá hiệu quả, các em đều đội mũ đầy đủ khi đến và rời trường.

Tuy nhiên, cũng trong sáng 10/4, trái ngược với ý thức chấp hành của đông đảo phụ huynh, học sinh tiểu học Hà Nội, có không ít học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tiếp tục "đầu trần" tới trường trên môtô, xe đạp điện, xe máy điện.

Chỉ trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ tại chốt cảnh sát giao thông phía trước cổng trường tiểu học Tô Hoàng (Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã có trên 10 trường hợp học sinh vi phạm bị dừng xe, ghi tên, xử phạt. Vi phạm chủ yếu của các em là điều khiển hoặc ngồi trên xe đạp điện, xe máy điện nhưng không đội mũ bảo hiểm.

Lý do hầu hết các em đưa ra là “do vội nên quên”. Đáng chú ý, có một số trường hợp học sinh khi bị cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe đã cố tình luồn lách, tăng ga bỏ chạy. Để đảm bảo an toàn cho đối tượng vi phạm và những người tham gia giao thông khác, lực lượng cảnh sát giao thông đã không truy đuổi phương tiện.

Theo Trung tá Nguyễn Đức Doanh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 4, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt thành phố Hà Nội: Từ ngày 6/4, các tổ công tác của Đội đã làm việc với các trường, yêu cầu các trường tổ chức cho phụ huynh và học sinh ký cam kết chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm; đồng thời, chốt trực tại một số trường trên địa bàn.

Kết quả cho thấy, nhìn chung, các bậc phụ huynh đã có ý thức tốt trong việc cho con em mình đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đặc biệt là với các cháu ở bậc tiểu học. "Tuy vậy, đến sáng nay vẫn còn một số trường hợp là học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông không thực hiện. Với những trường hợp này, chúng tôi đã kiên quyết lập biên bản xử phạt", Trung tá Doanh nói.

Thông tin về việc kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm của trẻ em từ 6 tuổi trở lên, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC 67) Công an thành phố Hà Nội cho biết: Từ sáng 10/4, đơn vị huy động toàn bộ 15 đội ra quân xử phạt các trường hợp vi phạm. Ngoài các tuyến đường có trường học, khu vui chơi giải trí, lực lượng cảnh sát xử lý vi phạm ở tất cả các nút giao thông trọng điểm khác trên địa bàn thành phố.

Trước đó, đơn vị thực hiện nghiêm theo đúng yêu cầu chỉ đạo của các đơn vị chức năng cũng như Công an Hà Nội về kế hoạch tăng cường tuần tra xử lý vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm của trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Trong 4 ngày đầu tiên thực hiện cao điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông chỉ tập trung nhắc nhở, tuyên truyền cho các bậc phụ huynh, nhà trường, gia đình và bản thân các cháu học sinh biết, hiểu và thực hiện nghiêm những quy định liên quan trong Luật Giao thông.

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều phụ huynh vẫn "lơ là" đội mũ bảo hiểm cho học sinh trên 6 tuổi

Cùng ngày 10/4, lực lượng Cảnh sát giao thông Thành phố Hồ Chí Minh ra quân xử phạt học sinh trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Trong ngày đầu ra quân, nhiều bậc phụ huynh đã không đội mũ bảo hiểm cho con em mình; thậm chí chính bản thân các em cũng "vô tư" đi xe gắn máy, xe máy điện nhưng không đội mũ bảo hiểm theo quy định.

Ghi nhận tại Trường tiểu học Kỳ Đồng (quận 3), chỉ trong vòng 30 phút, lực lượng cảnh sát giao thông đã tiến hành lập biên bản xử phạt gần 10 trường hợp phụ huynh chở học sinh trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm. Điều đáng nói, có nhiều phụ huynh khi được hỏi vẫn không hề biết quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh trên 6 tuổi có hiệu lực từ ngày 10/4.

Cảnh sát giao thông tiến hành xử lý một phụ huynh đưa trẻ em đi học không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Theo một chiến sĩ cảnh sát giao thông quận 3 đang làm nhiệm vụ tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng, trong ngày đầu ra quân xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cho học sinh trên 6 tuổi, Cảnh sát giao thông quận 3 đã tăng cường 100% quân số đứng trước hoặc tại các vị trí gần trường học, các tuyến đường trên địa bàn, để kiểm tra, tuyên truyền là chính, còn việc lập biên bản xử phạt chỉ áp dụng đối với một số trường hợp để răn đe chung.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ – Đường sắt (PC67) Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từ 10/4, lực lượng cảnh sát giao thông thuộc PC67 và 24 quận, huyện đồng loạt ra quân kiểm tra, xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên khi đi xe gắn máy, xe máy điện. Thời gian kiểm tra từ 16 giờ - 18 giờ hàng ngày, nhằm tránh gây ảnh hưởng đến việc học của học sinh.

Trước đó, PC67 đã cùng phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức đợt tuyên truyền, vận động, nhắc nhở việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh tại các trường học.

Ngoài ra, PC67 sẽ dùng camera nghiệp vụ bí mật đến các trường học ghi lại hình ảnh vi phạm của phụ huynh chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm; sau đó, phối hợp với nhà trường mời phụ huynh đến tuyên truyền, nhắc nhở. Nếu vi phạm nhiều lần có thể cảnh cáo, nêu tên học sinh và phụ huynh đó trước nhà trường.


Trần Xuân Tình, Hạnh Quỳnh (TTXVN)