12:01 06/12/2010

Cha đẻ của máy bay tiêm kích YAK (kỳ cuối)

Ngày 22/6/1941, nước Đức ngang nhiên xé bỏ Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau, phát động cuộc tiến công quân sự toàn diện đối với Liên Xô. Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân Đức, Liên Xô buộc phải di chuyển nhà máy chế tạo máy bay sang phía đông.

A. Yakovlev (1906 – 1989) là nhà sáng chế máy bay huyền thoại của Liên Xô trước kia. Loại máy bay tiêm kích YAK nổi tiếng thế giới một thời, từng là biểu tượng cho sức mạnh của không quân Xôviết, đã được sản xuất tới 36.000 chiếc, chiếm 2/3 tổng số máy bay tiêm kích của Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc. Do những công trạng nổi bật, năm 1946, Yakovlev đã được phong quân hàm thượng tướng. Trong cuộc đời, ông đã vinh dự hai lần được phong danh hiệu Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, 1 Giải thưởng Lênin, 8 Huân chương Lênin, nhiều huân chương của nước ngoài và 1 Giải thưởng Vàng của Hiệp hội hàng không quốc tế...

Kì cuối: Lập công trong cuộc Chiến tranh vệ quốc


Ngày 22/6/1941, nước Đức ngang nhiên xé bỏ Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau, phát động cuộc tiến công quân sự toàn diện đối với Liên Xô. Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân Đức, Liên Xô buộc phải di chuyển nhà máy chế tạo máy bay sang phía đông. Cuộc di dời quy mô lớn cả ngành công nghiệp hàng không khiến cho sản lượng máy bay sụt giảm nhanh chóng, trong khi tiền tuyến lại đang có nhu cầu vô cùng cấp thiết máy bay tiêm kích. Đây là thời kỳ bận rộn nhất trong cuộc đời Yakovlev.

Yak-3 đã được vinh danh là “máy bay tiêm kích tốt nhất của quân đội Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại”.


Tháng 10/1941, mũi tiên phong của lực lượng xe tăng Đức đã nhằm thẳng thủ đô Mátxcơva. Cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ Mátxcơva đã bắt đầu. Đúng vào lúc vận nước ngàn cân treo sợi tóc, Yakovlev được gọi lên gặp Xtalin, nhận chỉ thị sơ tán nhà máy sản xuất máy bay. Điều làm cho Yakovlev ngạc nhiên là vị thống soái tối cao vẫn rất bình thản, không hề tỏ ra căng thẳng lo lắng. Xtalin đã phân tích tình thế khó khăn của đất nước, cho rằng quân đội Đức tuy đã chiếm được một phần đất đai rộng lớn của lãnh thổ Liên Xô, nhưng Liên Xô vẫn có tiềm năng và nguồn lực dồi dào để chiến thắng kẻ thù. Trước khi chia tay, Yakovlev đã mạnh dạn đưa ra câu hỏi mà ông luôn day dứt: “Thưa đồng chí Xtalin, liệu chúng ta có giữ được Mátxcơva không ạ?”. Xtalin bước quanh phòng một lát rồi nói: “Tôi nghĩ điều đó hiện nay không phải là vấn đề chủ yếu. Điều quan trọng là phải nhanh chóng tích lũy lực lượng hậu bị. Cho nên, hiện nay chúng ta còn phải quần nhau với chúng một thời gian, sau đó sẽ đánh đuổi chúng đi...”. Lời nói của Xtalin đã tăng thêm niềm tin tất thắng trong lòng Yakovlev.

Ngày 14/10/1941, quân đội Đức đã chiếm được thành phố Kalinin. Nhiều cơ quan chính phủ và ngành nghiên cứu khoa học phải sơ tán khẩn cấp về hậu phương. Yakovlev cũng phải tới một thị trấn thuộc Xibêri để tổ chức sản xuất máy bay tiêm kích Yak. Ông đã tiếp nhận một số nhà máy từ phía mặt trận lui về phía sau, nhanh chóng tổ chức xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay quy mô lớn, cung cấp liên tục cho tiền tuyến những máy bay tiêm kích kiểu mới. Khi ấy, có nhiều nhà máy sản xuất máy bay di chuyển về hậu phương chưa kịp xây dựng nhà xưởng đã bắt đầu sản xuất ngay, làm ra trong thời gian nhanh nhất những máy bay tiêm kích cho mặt trận. Do sức lao động quên mình của hậu phương, đến tháng 11, vào thời điểm then chốt của chiến dịch Mátxcơva, quân đội Liên Xô đã có thể tập kết tại chiến trường thủ đô 1.700 máy bay (hầu hết là máy bay kiểu mới), số lượng áp đảo số máy bay của các tập đoàn quân Đức, khiến quân đội Liên Xô lần đầu tiên kiểm soát được bầu trời trên một phần chiến trường, quân đội Đức đã bị đập tan hoàn toàn trong cuộc tiến công Mátxcơva.

Yak-9 trở thành một huyền thoại trong Chiến tranh vệ quốc.


Cùng với ngày càng nhiều máy bay của Liên Xô tham gia chiến đấu, người Đức không thể nào độc quyền kiểm soát nổi bầu trời nữa. Ngày 9/3/1942, 7 phi công Liên Xô lái máy bay Yak-1 đã đánh thắng 25 máy bay của Đức. Ủy ban Quốc phòng Liên Xô đã ra chỉ thị cho báo chí tuyên truyền rộng rãi sự tích của 7 phi công đó, khiến quân và dân Liên Xô hoàn toàn tin tưởng vào vũ khí của nước mình.

Do máy bay tiêm kích được các nhà thiết kế của Liên Xô nghiên cứu chế tạo không hề thua kém máy bay BF-109 từng được phía Đức ra sức rêu rao, quân đội Đức đã ráo riết tiến hành cải tiến máy bay chiến đấu hòng một lần nữa chiếm ưu thế về kỹ thuật. Quân Đức đã lần lượt chế tạo được các loại máy bay BF-109 cải tiến cùng máy bay tiêm kích kiểu mới Fw-190.

Khi những máy bay kiểu mới của Đức xuất hiện, Yakovlev càng tập trung sức lực nhiều hơn vào nghiên cứu chế tạo máy bay để cho máy bay của Liên Xô không bị thua kém của Đức. Ông đã lấy máy bay tiêm kích Yak-1 làm cơ sở, sáng chế ra loại máy bay tiêm kích Yak-3. Động cơ loại máy bay này không thay đổi, nhưng hỏa lực được tăng cường, tính cơ động của máy bay được cải thiện, tốc độ cũng nhanh hơn đáng kể so với máy bay kiểu cũ. Yak-3 đã được vinh danh là “máy bay tiêm kích tốt nhất của quân đội Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại”. Loại máy bay này không những được các phi công Liên Xô đánh giá cao mà còn được phi công các nước đồng minh ưa chuộng. Một trung đoàn trưởng của không quân Pháp đã nói với Xtalin: Những phi công Pháp đã từng lái các loại máy bay tiêm kích Normandy của Pháp, cũng như loại “Phun lửa” (Spitfire) của Anh vẫn thích nhất máy bay Yak-3 của Liên Xô.

Khi Xtalin đi dự hội nghị Têhêran trở về nước, Yakovlev đã gửi đến cho ông một mô hình máy bay Yak tinh xảo kèm theo mấy dòng chữ:
“Kính gửi đồng chí Xtalin!
Xin kính tặng đồng chí mô hình chiếc máy bay YAK loại mới nhất. Đây là loại máy bay tiêm kích có tốc độ nhanh nhất hiện nay, đã đạt tốc độ 700 km/giờ.
Kỹ sư thiết kế Yakovlev”


Ngày hôm sau, Yakovlev được mời đến gặp Xtalin. Xtalin cầm mô hình chiếc máy bay nói: “Đúng là máy bay này chứ? Có bay nhanh như vậy thật không? Thế thì tốt quá!”. Sau khi trao đổi xong về số lượng máy bay mới sẽ sản xuất, Xtalin bước đến trước mặt Yakovlev, chăm chú nhìn quân hàm trên vai áo nhà sáng chế hỏi: “Đồng chí vẫn là thiếu tướng à?” Yakovlev không hiểu sao Xtalin lại hỏi vậy, chỉ im lặng. Xtalin nói tiếp: “Cần đề bạt đồng chí lên trung tướng”. Khi Yakovlev vừa rời khỏi Điện Cremlin, ông đã nghe tiếng loa đài phát thanh truyền đi tiếng nói của phát thanh viên nổi tiếng Levintan công bố quyết định của Nhà nước phong quân hàm trung tướng cho mình.

Trong Chiến tranh vệ quốc, máy bay YAK do Yakovlev sáng chế đã được sản xuất tới 36.000 chiếc, chiếm 2/3 tổng số máy bay tiêm kích của Liên Xô. Do những công trạng nổi bật, năm 1946, Yakovlev đã được phong quân hàm thượng tướng, năm 1956, được vinh danh Nhà sáng chế máy bay ngoại hạng. Trong cuộc đời, ông đã vinh dự hai lần được phong danh hiệu Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa, 1 Giải thưởng Lênin, 8 Huân chương Lênin, nhiều huân chương của nước ngoài và 1 giải thưởng vàng của Hiệp hội hàng không quốc tế. Nhưng những phần thưởng đó đều không phải là quan trong nhất. Điều được thực sự ghi vào sử sách là: Hệ máy bay tiêm kích YAK do Yakovlev sáng chế đều có chung đặc điểm: Linh hoạt, dễ lái, thiết kế giản đơn, đạt được đồng thời cả 3 tiêu chí tối ưu về tốc độ, hỏa lực và tính năng cơ động.

Nguyễn Hữu Thụy (Tổng hợp)