01:13 05/01/2018

CH Séc: Nỗi sợ khủng bố át nỗi lo bị EC kiện

Ngày 4/1, Ủy ban châu Âu dã chính thức gửi đơn kiện Ba Lan, Hungary và CH Séc tới Tòa án châu Âu do không thực hiện hạn ngạch nhập cư của Liên minh châu Âu (EU).

Cùng ngày, sau cuộc gặp ba bên với lãnh đạo Ba Lan và Hungary, Thủ tướng CH Séc Andrej Babis tuyên bố, ông đang cố gắng ngăn chặn vụ kiện của EC bằng cách gặp gỡ và thảo luận với Chủ tịch EC Jean Claude-Juncker vào cuối tháng này. 

Một cuộc biểu tình phản đối nhập cư ở Praha.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2017, trả lời phỏng vấn của Đài Phát thanh Séc, ông Lubomir Zaoralek, Bộ trưởng Ngoại giao vừa mới từ nhiệm và là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Séc, giải thích nguyên nhân vì sao CH Séc không tuân thủ hạn ngạch do EU đưa ra.

Theo ông, đây là một động thái chính trị mà Séc đưa ra để EU hiểu rằng, hệ thống phân bổ nhập cư không hoạt động. Hy Lạp và Italy chẳng những không hỗ trợ mà còn cản trở Praha di chuyển người tị nạn vào lãnh thổ Séc vì hai nước này không đáp ứng yêu cầu về kiểm tra an ninh.

Kết quảl là dù hạn ngạch là 2.600 người nhưng chỉ có 12 người tị nạn được Séc tiếp nhận.

Hãy còn quá sớm để lo ngại về hậu quả vụ kiện cho dù phán quyết của Tòa án châu Âu bất lợi cho CH Séc. Thậm chí khi Séc bị phán là vi phạm cam kết với EU thì cũng không có nghĩa là án phạt tài chính sẽ có hiệu lực tức thì. CH Séc vẫn còn thời gian để sửa sai.

Đây là một quá trình dài lâu và trong quá trình thực thi các bên có thể tìm được tiếng nói chung. Khó mà phản bác rằng CH Séc đã mang tiếng xấu trong EU về thái độ thiếu nghiêm túc trong sự phối hợp chung với các nước thành viên khác và chia sẻ gánh nặng. Tuy nhiên, dường như người dân Séc không quan tâm đến kết quả của vụ kiện, không lo ngại về khoản tiền phạt cũng như khoản viện trợ từ phía EU có thể bị cắt.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận do tổ chức Median Agency tiến hành, vừa được công bố ngày 4/1 cho thấy, đa số người dân Séc lo sợ khủng bố và e ngại tác động của các cuộc xung đột, chiến tranh ở nước ngoài tới nước họ. Trong số những người được hỏi, có tới 68% cho rằng các cuộc tấn công khủng bố do tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tiến hành ở châu Âu là mối đe dọa hàng đầu. Các vấn đề đáng lo ngại tiếp theo của người dân Séc là tác động từ các cuộc xung đột ở Syria, châu Phi và châu Á, tình trạng leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với các nước Đông Âu và Baltic.

Ngoài nguy cơ khủng bố, sự xói mòn các giá trị cốt lõi của Liên minh châu Âu và của đạo Cơ đốc do tác động của cuộc khủng hoảng người nhập cư... là những mối lo ngại hàng đầu của người dân Séc trong năm 2018.

Một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Dư luận CVVM tiến hành và được công bố vào cuối năm 2017 cũng đưa lại kết quả tương tự. Theo đó, 4/5 số người Séc được hỏi cho rằng nước này không nên tuân thủ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn của EU. Có 55% số người được hỏi khẳng định không ủng hộ hạn ngạch nói trên, 25% có xu hướng từ chối và 11% ủng hộ.

Theo CVVM, kết quả cuộc thăm dò này phù hợp với quan điểm đã được biết đến của người dân Séc liên quan đến người di cư từ các quốc gia Hồi giáo. Theo hãng tin Séc CTK, trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 10/2017, tỷ lệ người Séc từ chối thẳng thừng việc tiếp nhận người tị nạn từ các quốc gia có xung đột vũ trang đã tăng lên 69%. Phần lớn người Séc coi những người tị nạn là mối đe dọa an ninh đối với châu Âu (88%), với thế giới (78%) và CH Séc (76%). 

Tin, ảnh: Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại CH Séc)