Ngày 15/4, theo tờ The Times of Israel, Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg đã trực tiếp ra điều trần trước tòa án liên bang trong phiên xét xử được xem là bước ngoặt đối với ngành công nghệ Mỹ.
Gian hàng của công ty Meta liên quan đến thực tế ảo và AI. Ảnh: Anh Hiển - P/v TTXVN tại Thụy Sĩ
Phiên tòa nhằm xét xử vụ kiện chống độc quyền do Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) khởi xướng, với cáo buộc Meta - tiền thân là Facebook - đã lạm dụng vị thế thị trường để loại bỏ cạnh tranh, thông qua các thương vụ thâu tóm Instagram và WhatsApp.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới phải trực tiếp bảo vệ chiến lược sáp nhập của mình trước nguy cơ bị yêu cầu chia tách hai nền tảng mạng xã hội quan trọng.
Theo FTC, các thương vụ mua lại Instagram (năm 2012) và WhatsApp (năm 2014) không phục vụ mục tiêu đổi mới mà nhằm củng cố vị thế thống lĩnh thị trường, loại bỏ đối thủ tiềm năng và tạo "thế phòng thủ" xung quanh hoạt động kinh doanh cốt lõi của Meta. Cơ quan này trích dẫn một loạt bằng chứng, bao gồm thư nội bộ của ông Zuckerberg thể hiện sự thất vọng với tiến độ phát triển ứng dụng cạnh tranh với Instagram trước khi thương vụ diễn ra.
Tại tòa, ông Zuckerberg thừa nhận từng không hài lòng với việc phát triển các sản phẩm nội bộ nhưng khẳng định Meta đã đầu tư đáng kể vào Instagram sau khi mua lại nền tảng này, đồng thời phủ nhận cáo buộc cản trở cạnh tranh. Phía Meta cho rằng các thương vụ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, cải thiện sản phẩm và thúc đẩy sáng tạo trong ngành.
Vụ kiện được khởi động từ năm 2020, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, trong bối cảnh làn sóng giám sát quyền lực các công ty công nghệ lớn gia tăng mạnh. FTC lập luận rằng Meta đã sử dụng chiến lược mua thay vì cạnh tranh, theo cách tiếp cận do chính ông Zuckerberg nêu ra từ năm 2008, để vô hiệu hóa các mối đe dọa tiềm tàng từ các công ty khởi nghiệp.
Dù Meta lập luận rằng các nền tảng như TikTok hay YouTube tạo ra môi trường cạnh tranh năng động, nhưng FTC phản bác rằng các dịch vụ này không phải đối thủ trực tiếp, do khác biệt về tính năng và hành vi người dùng. Ngoài ra, Meta cảnh báo việc chia tách Instagram và WhatsApp có thể gây tổn thất đáng kể cho hệ sinh thái quảng cáo của công ty, ảnh hưởng tới hàng triệu doanh nghiệp và làm suy giảm năng lực đổi mới của ngành công nghệ Mỹ.
Phiên tòa hiện do Thẩm phán James Boasberg thuộc Tòa án Liên bang giám sát. Trước đó, ông từng từ chối đề nghị đình chỉ vụ kiện từ Meta, cho rằng các lập luận của FTC đủ cơ sở để đưa ra xét xử. Trong bối cảnh FTC đối mặt với thách thức pháp lý lớn trong việc chứng minh hành vi độc quyền ở hiện tại, Meta cũng phải đối diện với những rủi ro pháp lý không nhỏ nếu tòa đưa ra phán quyết bất lợi.
Không chỉ Meta, nhiều “gã khổng lồ” công nghệ khác cũng đang chịu sức ép gia tăng từ giới chức Mỹ. Google chuẩn bị bước vào giai đoạn hậu xét xử sau khi một thẩm phán liên bang xác định công ty vi phạm luật chống độc quyền trong mảng tìm kiếm. Amazon hiện cũng bị điều tra trong một vụ kiện tương tự liên quan đến cấu trúc thị trường và hành vi cạnh tranh.