02:22 10/02/2015

Cây xăng 'ăn' gian ngày càng tinh vi

Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị các cơ quan chức năng phát hiện dùng nhiều thủ đoạn như cài chíp, điều chỉnh đồng hồ để ăn bớt xăng, dầu của khách hàng.

Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị các cơ quan chức năng phát hiện dùng nhiều thủ đoạn như cài chíp, điều chỉnh đồng hồ để ăn bớt xăng, dầu của khách hàng.

Bớt xén đến 8%

Ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại tỉnh Đắk Lắk cho biết: Qua kiểm tra 17 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, trong đó kiểm tra hành vi gian lận thương mại 9 doanh nghiệp, phát hiện 6 doanh nghiệp tác động gắn chíp (IC chương trình) làm sai lệch số báo trên đồng hồ đo, bớt xén xăng dầu bán ra cho khách hàng. Thủ đoạn gian lận, hành vi vi phạm của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi, khó kiểm soát.

Điển hình như vụ việc vào sáng 24/12/2014, sau nhiều lần “mật phục”, đoàn kiểm tra liên ngành, thường trực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đắk Lắk (đoàn liên ngành 389) kiểm tra đột xuất doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Tám Hòa, xã Ea Kpam, huyện CưM’gar, phát hiện cơ sở này có gắn chíp tác động vào cột bơm gây sai số về đo lường, tỉ lệ 6%. Đoàn liên ngành đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt doanh nghiệp Tám Hòa gần 100 triệu đồng, tịch thu một cột bơm xăng RON A92, giấy chứng nhận kiểm định cột đo vi phạm và tước quyền sử dụng, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu của doanh nghiệp thời hạn 3 tháng.

Không lâu sau đó, đoàn liên ngành 389 của tỉnh đã liên tục phát hiện thêm 5 doanh nghiệp là cơ sở kinh doanh xăng dầu Quốc Việt, Trúc Nghĩa, xã Cư Kpô (huyện Krông Pắk), cửa hàng xăng dầu Tiến Lợi (huyện Ea Súp), cửa hàng xăng dầu số 1- Công ty cổ phần Vật tư và xây dựng Đắk Lắk gắn chíp gian lận xăng dầu sai số cột bơm từ 2 - 6%.

Ảnh minh họa. Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất một cây xăng. Nguồn: Hải Âu/TTXVN.


Gần đây nhất là vụ gian lận của doanh nghiệp Minh Hải, xã vùng sâu Dliêya, huyện Krông Năng, vào ngày1/2/2015. Qua kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp này có sử dụng thiết bị IC chương trình, bớt xăng của khách hàng ở mức 0,8%.

Tại cơ quan điều tra, các chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu cho rằng, họ mới chỉ hợp đồng với một đơn vị tư nhân lắp chíp trong thời gian 2 - 3 tháng giáp Tết. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng, một số cây xăng đã vi phạm gắn thiết bị này trong thời gian từ 2 tháng đến hơn 1 năm.

Như vậy, bình quân 100 lít xăng, dầu bán ra, các chủ cửa hàng đã gian lận, bớt, xén của khách hàng từ 4,5 lít đến 8 lít. Vụ việc đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về việc quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của một số đơn vị liên quan, để các doanh nghiệp có cơ hội làm ăn gian dối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế, niềm tin của người tiêu dùng.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đào Chí cho hay: “Việc kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, bởi lực lượng chức năng còn mỏng, thủ đoạn lấy cắp xăng, dầu của các doanh nghiệp lại rất tinh vi. Khi đoàn liên ngành đến kiểm tra, các doanh nghiệp đều tìm cách đối phó, bằng cách ngắt cầu dao điện để phi tang chứng cứ. Khi cầu dao bật trở lại, các đồng hồ điện tử tự động khởi động lại hệ thống như bình thường, nên rất khó phát hiện và xử lý”.

Người tiêu dùng lo lắng

Giá xăng, dầu trong nước liên tục giảm trong thời gian vừa qua là một tín hiệu vui đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở tỉnh Đắk Lắk, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã “móc túi” trực tiếp khách hàng bằng thủ thuật gắn chíp để thu lợi bất chính, khiến cho người tiêu dùng “chưa kịp mừng đã phải lo”, đặc biệt hiện nay đang là mùa khô, nhu cầu của người nông dân sử dụng xăng dầu phục vụ tưới tiêu cho cây cà phê và một số cây công nghiệp là rất lớn.

Gia đình ông Hồ Việt Quang, thôn Toàn Thắng, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk đang rất lo lắng sau khi nghe thông tin về doanh nghiệp “bớt xén” xăng dầu bán cho khách hàng. Ông Quang hiện có 1,2 hécta cà phê, năng suất mỗi năm thu từ 3 - 4 tấn nhân. Để cà phê ra hoa đúng vụ, mỗi năm gia đình ông Quang dùng máy nổ, bơm nước tưới cà phê 3 đợt; mỗi đợt tưới, ông sử dụng hết 50 lít dầu, tiêu tốn gần 2 triệu đồng. “Năm nay, giá dầu giảm mạnh chỉ còn hơn 15.000 đồng/lít nên mỗi lần đi mua, tôi đều sử dụng thùng phuy lớn 50 lít để đựng, nếu doanh nghiệp có bớt xén 5 - 10 lít thì tôi cũng không hề biết", ông Quang than thở.

Cùng chung nỗi lo lắng trên, anh Lê Đại Thiện, thôn Toàn Thắng cũng chia sẻ: “Chúng tôi mua dầu với số lượng lớn, chỉ biết nhìn cột bơm hiển thị bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu. Nếu quả thật có tình trạng “gian lận” ở các doanh nghiệp buôn bán xăng dầu thì mong các ngành chức năng sớm vào cuộc, giải quyết dứt điểm tình trạng trên, để người dân không bị “lừa dối” và yên tâm lao động sản xuất".

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó thường trực Ban Chỉ đạo 389 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đắk Lắk khẳng định, tỉnh sẽ chỉ đạo các đoàn liên ngành, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh xăng dầu không đảm bảo, gian lận, bớt xén xăng dầu của khách hàng, đặc biệt là dịp trước và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Tỉnh sẽ tăng cường đoàn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường ở các xã vùng sâu, vùng xa, vì ở đây, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân nên các doanh nghiệp thường bán xăng dầu gian lận cho khách hàng. Nếu phát hiện cây xăng vi phạm, đoàn sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu cột bơm xăng vi phạm, tước giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu 3 tháng. Nếu doanh nghiệp tiếp tục tái vi phạm, tỉnh sẽ có biện pháp đề nghị ngừng hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp đó.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Lộc, mức phạt hiện nay (tối đa là 85 triệu đồng) đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gắn chíp gian lận, xăng, dầu của khách hàng chỉ có tính răn đe, khó đảm bảo các cây xăng không tái phạm.

Các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm mua xăng ở những doanh nghiệp có uy tín, mua xăng theo dung tích chứ không nên mua theo số tiền chẵn như 30.000, 50.000 đồng, quan sát kỹ hiển thị của đồng hồ xăng, yêu cầu nhân viên chuyển đồng hồ về “0” trước khi bơm. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần giám sát các doanh nghiệp, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm nên báo ngay cho các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk để sớm có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm.


Phạm Cường