07:09 23/07/2013

Cây trúc sào xóa đói giảm nghèo

Với điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp, từ năm 2002, tỉnh Cao Bằng đã triển khai trồng cây trúc sào để tăng thêm thu nhập, tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Với điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp, từ năm 2002, tỉnh Cao Bằng đã triển khai trồng cây trúc sào để tăng thêm thu nhập, tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Hiện tại, cây trúc sào được trồng tại nhiều địa phương. Riêng huyện Nguyên Bình, cây trúc sào được trồng ở 19/20 xã, thị trấn với tổng diện tích hơn 1.550 ha và dần trở thành cây trồng chủ lực của bà con dân tộc miền núi khó khăn.


Các sản phẩm được sản xuất từ cây trúc sào Cao Bằng như chiếu mành trúc, bàn ghế... đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước và trở thành mặt hàng xuất khẩu, khẳng định được thương hiệu. Thế nhưng, người trồng tre trúc Cao Bằng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Từ năm 2008 đến nay, vì nhiều lý do diện tích trồng trúc sào đã giảm đi rõ rệt.

Cần tạo điều kiện cho đồng bào phát triển cây trúc sào.


Đường vào nhiều thôn, bản của xã Ca Thành và xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình, chỉ là những con đường mòn nhỏ, băng qua các nương ngô, cánh rừng. Trong khi đó, đa phần trúc được trồng trong núi, nên khi khai thác, bà con phải vác từng bó vận chuyển qua quãng đường dài 4-5 km để đưa ra điểm tập kết. Gia đình anh Đẳng Phụ Páo, dân tộc Dao, ở xóm Khuổi Vầy, trồng hơn 1 ha trúc. Nếu thu hoạch toàn bộ, gia đình thu được hơn 40 triệu đồng, nhưng vì đường mòn nhỏ hẹp, xe thu mua không thể vào gần vườn, gia đình anh phải thuê người vận chuyển ra ngoài. Chi phí cho việc thuê nhân công đã hết mất một nửa, chưa tính đến chi phí cây giống, làm đất, công chăm sóc. Xóm Khuổi Vầy có những rừng trúc rất đẹp, đã đến tuổi khai thác, nhưng không bán được do trồng ở xa, địa hình phức tạp, không có đường vận chuyển và giá cả thị trường bấp bênh. Nhiều khi đến vụ thu hoạch, tư thương ép giá bằng cách không đến thu mua ngay, mà đợi đến khi trúc khô, để buộc người dân phải bán với giá rẻ. Đó cũng chính là lý do bà con không dám khai thác cùng một lúc cả vườn trúc.


Hiện tại chưa có một hợp đồng hay thỏa thuận chính thức nào giữa người trồng trúc với các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu. Toàn tỉnh mới chỉ có một doanh nghiệp chế biến, sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu tre, trúc và một số tư thương ở các tỉnh lân cận đến thu mua với số lượng ít.


Bên cạnh đó, người trồng trúc của tỉnh vẫn dùng các giống trúc truyền thống, hộ trồng sau lấy giống trúc của các hộ đã trồng trước. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả vì khi đào các gốc trúc sẽ làm đứt rễ các cây khác, có thể gây chết cây. Ngoài ra, trúc giống truyền thống không được to, đẹp. Theo quy định của tỉnh Cao Bằng, các hộ dân phải trồng đủ 100 hốc trên cùng một lô đất khoảng 2.200 m2 mới được nghiệm thu, hỗ trợ. Tuy nhiên, diện tích trồng trúc của bà con lại nhỏ lẻ, không tập trung do địa hình núi, nên khó được hưởng sự hỗ trợ của quy định này.


Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng trúc, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ tiền mua giống cho bà con là mỗi hốc trúc 32.000 đồng. Giai đoạn mới đưa cây trúc vào trồng đại trà, tỉnh đã kêu gọi và phối hợp cùng doanh nghiệp chế biến tre trúc tại tỉnh hỗ trợ nhân dân tiền cây giống là 80%, còn 20% phát huy nội lực của dân.


Vì những khó khăn trên mà sau nhiều năm tỉnh Cao Bằng triển khai trồng cây trúc với mục tiêu trở thành cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói nghèo cho dân vẫn chưa thành công. Theo ông Hà Văn Đình, Chủ tịch UBND xã Ca Thành, tỉnh cần nhanh chóng hỗ trợ cây giống, tìm mối thu mua ổn định, đặc biệt là nhanh chóng hoàn thiện đường giao thông đến các xóm để giảm bớt chi phí vận chuyển cho người dân. Về vấn đề đảm bảo thị trường đầu ra cho cây trúc, ông Đinh Văn Duyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nguyên Bình cho biết: Tới đây huyện sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp chế biến tre trúc thu mua trúc cho dân, đảm bảo giá cả hợp lý.


Bài và ảnh: Quân Trang