10:06 18/10/2014

Cây trồng biến đổi gen - Còn nhiều ý kiến trái chiều

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức cho phép trồng bốn giống ngô biến đổi gen làm thực phẩm cho người và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Nhưng cho đến lúc này, trong giới khoa học Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn trước khi các giống ngô BĐG được đưa vào trồng đại trà.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức cho phép trồng bốn giống ngô biến đổi gen (BĐG) làm thực phẩm cho người và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Nhưng cho đến lúc này, trong giới khoa học Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn trước khi các giống ngô BĐG được đưa vào trồng đại trà.

Tăng năng suất, hiệu quả kinh tế

Giữa tháng 8/2014, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã ký quyết định cấp Giấy xác nhận cho 4 giống ngô BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, bao gồm: MON 89034 và NK603 của Cty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto); Bt 11 và MIR162 của Cty TNHH Syngenta Việt Nam. Quyết định này nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm bớt gánh nặng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.

Ngô biến đổi gen cho năng suất từ 8-11 tấn/ha, cao hơn giống ngô không chuyển gen từ 40-60%.Ảnh: Đình Huệ

Các nhà khoa học ủng hộ cho rằng trồng cây BĐG sẽ giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Cây BĐG giúp nông dân giảm sử dụng thuốc trừ sâu, sẽ làm tăng đa dạng sinh học và bảo đảm môi trường.

“Ở đồng bằng sông Cửu Long, có một giống lúa mới được BĐG mang đặc tính rất tốt như có chất chống oxy hóa, dễ trồng, giàu kẽm, giàu sắt, kháng thuốc trừ sâu… Nếu phổ biến được những giống lúa này thì sẽ tăng năng suất và tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Vì thế, chúng ta nên chủ động chọn lọc gen để lai tạo ra những cây trồng tốt hơn”, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam nhận định.

Theo ông Dũng, hiện có 27 nước trên thế giới, gồm 19 nước phát triển và 8 nước đang phát triển dùng các thực phẩm BĐG trong sản xuất và đời sống. Hơn 4 tỷ dân, rất nhiều người nghèo được hưởng lợi từ thực phẩm BĐG.

“Thực phẩm BĐG không có chất độc và cũng chưa gây độc hại nào tới con người. Các loại thực phẩm BĐG đã được kiểm nghiệm và được phép sử dụng. Vấn đề dị ứng thực phẩm BĐG là có nhưng số lượng rất ít. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách khắc phục vấn đề này. Nhiều người lo thực phẩm BĐG sẽ làm nhờn thuốc kháng sinh nhưng đây là chuyện hoàn toàn không có”, ông Dũng chia sẻ.

Theo Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, trên thế giới có 11 nước đã tạo ra cây trồng BĐG. Các Viện Hàn lâm ở Hoa Kỳ, Anh quốc, Canada, Australia… và các tổ chức khoa học các nước khác xem xét rất kĩ các sản phẩm thực phẩm BĐG với quy trình kiểm tra vô cùng nghiêm ngặt, để tạo ra các sản phẩm an toàn, bền vững và không có tác dụng phụ.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện chúng ta đã hoàn thiện khung pháp lý đánh giá an toàn sinh học và đã ban hành thông tư quy định quy trình, thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhận thực vật BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Mới đây, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đã ban hành thông tư đánh giá an toàn sinh học đối với cây trồng BĐG và họp Hội đồng An toàn sinh học để đánh giá về cây trồng BĐG. Đây là những tín hiệu để “mở cửa” cho cây trồng BĐG ra đồng ruộng.

Cần nghiên cứu kỹ hơn

Tuy nhiên, về vấn đề này, một số nhà khoa học khác lại cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ hơn, chứng minh được các tác động của cây BĐG rồi mới cho trồng đại trà. Ngoài ra, cần tính tới lợi ích kinh tế trước khi phổ biến cho nông dân.

GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cho biết: “Giống ngô mới được Bộ NN&PTNT cấp phép chỉ có tính năng chính là kháng được chất diệt cỏ (ví dụ khi ta phun thuốc trừ cỏ thì cây ngô không chết), còn năng suất không tăng nhiều. Do vậy, việc đưa cây ngô BĐG vào trồng đại trà cần cân nhắc lợi ích. Nếu không sẽ bị lệ thuộc vào nguồn giống nước ngoài, thuốc trừ cỏ của nước ngoài”.

Theo ông Long, Việt Nam có những giống ngô cho năng suất 8-10 tấn/ha. Vấn đề là khâu tổ chức sản xuất không tốt, chẳng hạn chưa đủ nước tưới, nên năng suất không cao. “Chúng ta đang nghiên cứu một số giống ngô chịu hạn, nếu thành công sẽ giúp tăng năng suất lên nhanh hơn”, ông Long khẳng định.

Nói về việc trồng cây BĐG ở các nước trên thế giới, ông Long cho biết: Các nước vẫn đang có nhiều tranh luận trái chiều về cây BĐG, có nước cho trồng thoải mái, có nước cho trồng nhưng phải gắn mác BĐG. Có nước cấm hoàn toàn. Đặc biệt, Pháp, Nhật… là các nước công nghiệp phát triển đã cấm trồng, nhập khẩu thực phẩm BĐG cũng là một yếu tố khiến chúng ta phải cân nhắc có nên trồng đại trà các loại cây này hay không. Do vậy, trước mắt, Việt Nam chưa nên vội vàng cho trồng ồ ạt cây BĐG. Cần phải đầu tư vào nghiên cứu, tự sản xuất ra các giống của mình, lúc đó mới tính tới việc trồng phổ biến.

Hơn nữa, “Việc chứng minh tác động của cây BĐG tới sức khỏe vẫn chưa ngã ngũ, chưa tính tới việc các loại sâu bệnh nào sẽ phát triển thêm sau khi trồng các loại cây này”, ông Long nói thêm.

Hội Khoa học công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam vừa có báo cáo về thực trạng thực phẩm BĐG. Theo báo cáo này, so với những năm trước đây, tốc độ phát triển của cây trồng BĐG trên thế giới có giảm xuống, điều này không hoàn toàn ngẫu nhiên. Tại Việt Nam, trước đây, Bộ NN&PTNT định trồng đại trà ngô BĐG vào năm 2012, nhưng phải tới năm 2015 việc này mới được thực hiện.

Ngoài ra, nhiều nước phát triển ở châu Âu như: Pháp, Đức, Áo, Thụy Sỹ… đang cấm trồng, nhập khẩu thực phẩm BĐG. Thái Lan cho phép thực phẩm BĐG có mặt ở thị trường nhưng truyền thông phải đưa thông tin hai chiều để phổ biến kiến thức cho người dân. Trung Quốc từng khuyến khích thực phẩm BĐG, nhưng đến nay đã phải hạn chế và ngừng nhập giống ngô BĐG.

Theo Hội Khoa học công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam, cách đây vài năm, một loại nông sản của Việt Nam xuất sang Nhật Bản có thành phần nguyên liệu từ cây BĐG đã bị phản đối. Vì vậy, việc trồng cây BĐG có thể gây khó khăn cho việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam tới một số nước.

Điều tra của Hội Khoa học công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam cũng chỉ ra rằng, đã có một số phản ứng từ phía người tiêu dùng trong nước. Tiêu biểu là một gian hàng trong một siêu thị lớn ở Hà Nội đã trưng biển “Ngô nguyên hạt, không BĐG”. Một số cửa hàng rau cũng khẳng định không dùng giống BĐG.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam:

Cây BĐG giúp giảm nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Hàng năm, chúng ta đang nhập khoảng 4 triệu tấn đậu tương và gần 2 triệu tấn ngô… chủ yếu từ Argentina, Mỹ, Ấn Độ là những nước đang trồng cây BĐG trên diện rộng. Như vậy, sản phẩm BĐG đã có mặt ở khắp thị trường Việt Nam từ lâu. Việc chần chừ đưa cây bắp BĐG ra trồng trên diện rộng để tạo ra bước đột phá và chủ động về nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không chỉ tiếp tục khiến chúng ta phải phụ thuộc vào nước ngoài mà còn gây thiệt thòi cho người trồng trọt và cả chính người chăn nuôi. Nhiều năm nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục bị đẩy lên cao, nông dân phải bán thịt heo, gà lỗ vốn vì phải sử dụng phần lớn thức ăn chăn nuôi ngoại nhập.

PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm:

Chưa thể kỳ vọng năng suất tăng đột biến

Khoa học hiện nay đã đạt tới mức chính xác cao. Cây chuyển gen là một thành tựu của khoa học thế giới, trước sau gì chúng ta cũng phải đi theo hướng này. Ở Việt Nam, giống ngô, bông BĐG đã được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chúng ta không nên kỳ vọng cây BĐG sẽ làm tăng đột biến năng suất cho cây trồng. Những giống BĐG này chỉ có tác dụng bảo vệ năng suất khỏi bị mất đi do thời tiết, sâu bệnh… đồng thời, giảm bớt đầu tư về thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy, hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn.


Hữu Vinh
1