11:17 11/11/2010

Cây sơn tra: Hướng thoát nghèo ở Mù Cang Chải

Hai năm nay, nhờ giá liên tục tăng gấp 4-5 lần những năm trước, dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, cây sơn tra (hay còn gọi là cây táo mèo) đã góp phần không nhỏ giúp đồng bào dân tộc Mông vùng cao huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thoát nghèo.

 Hai năm nay, nhờ giá liên tục tăng gấp 4-5 lần những năm trước, dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, cây sơn tra (hay còn gọi là cây táo mèo) đã góp phần không nhỏ giúp đồng bào dân tộc Mông vùng cao huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thoát nghèo.

Để phát huy tối đa lợi ích của loại cây này, huyện Mù Cang Chải đang từng bước chuyển giao kỹ thuật, quy hoạch, dần hình thành những vùng trồng sơn tra tập trung.

Thu hoạch sơn tra.

Sơn tra là loại cây thân gỗ cứng, mọc tự nhiên trên các sườn đồi, hạt sơn tra phát tán nhờ động vật. Trước đây, khi quả sơn tra chưa có giá trị thì loài cây này hoàn toàn mọc hoang dã, người dân thường chặt phá để lấy đất trồng ngô, trồng màu. Vài năm trở lại đây, quả sơn tra dần trở thành đặc sản rất được ưa chuộng, dùng để ngâm rượu, làm xi rô, mứt, muối xổi, ô mai, làm dược liệu...

Để phát triển cây sơn tra thành một trong những loại cây ăn quả chủ lực trên địa bàn, huyện Mù Cang Chải tích cực đôn đốc, chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương thực hiện công tác rà soát diện tích, quy hoạch các vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho cây phát triển. Huyện phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ hình thành vùng sơn tra rộng 700 – 800 ha. Cùng với đó, địa phương cũng lập phương án xây dựng các cơ sở chế biến vừa và nhỏ kết hợp với việc tìm kiếm các đối tác bao tiêu sản phẩm.

Hoàng Ngọc