08:10 26/08/2017

Cây đàn Chapi của người Raglai

Cây đàn Chapi là nhạc cụ nổi tiếng, là một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Raglai, vùng núi Nam Trường Sơn Tây Nguyên.

Ở nơi ấy tôi đã thấy, trên ngọn núi cao có hai người, có hai người yêu nhau... Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi, một mái tranh nghèo, một nhà sàn yên vui. Ở nơi ấy họ đã sống cuộc sống yên bình, ai nghèo cũng có cây đàn Chapi. Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy, hồn người Raglai...”, lời bài hát “Giấc mơ Chapi” của nhạc sỹ Trần Tiến làm mê đắm biết bao người yêu nhạc.

Nghệ nhân Ka Tơr Đôi trình diễn đánh đàn Chapi

Bài hát đưa người nghe đến với một vùng thảo nguyên, hiểu thêm một phần cuộc sống đầy tự do, lãng mạn của đồng bào Raglai, nơi không có mùa nắng, mùa mưa, chỉ có một “mùa yêu nhau”... và yêu bài hát, nhiều người đã yêu luôn cả cây đàn Chapi, mong mỏi một lần được nhìn thấy cây đàn, được nghe tiếng đàn Chapi rung động lòng người. Và niềm mong mỏi ấy đến với mọi người, khi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mời các nghệ nhân Raglai đến Ngôi nhà chung chế tác và biểu diễn đàn Chapi cho du khách thưởng lãm.

Nghệ nhân Ka Tơr Đôi khoét lỗ tạo âm thanh cho cây đàn.

Nghệ nhân Ka Tơr Đôi, dân tộc Raglai cho biết, thông thường chỉ những người Raglai giàu có mới có Mã La (một loại cồng chiêng) để gõ trong tất cả các nghi lễ, còn những người Raglai nghèo, không có Mã La, nên đã sáng tạo ra cây đàn Chapi, loại nhạc cụ đơn sơ, phỏng theo thanh âm của tiếng Mã La. 

Tạo phím cho đàn Chapi.

Theo nghệ nhân Ka Tơr Đôi, để chế tác được đàn Chapi, cần tìm một ống tre già tròn, vỏ bóng và mỏng. Phải chọn cây tre mọc trên những đỉnh đồi cao, ống mới khô, cứng và tiếng kêu mới thanh. Mỗi ống đàn thường có chiều dài khoảng 30 - 40 cm, đường kính khoảng 10 cm. Sau khi chọn được ống làm đàn, dùng dùi sắt nung đỏ để dùi lỗ trên ống đàn. Mỗi cây đàn có 6 lỗ, hai lỗ ở hai đầu để cho tiếng đàn kêu vang, còn các lỗ trên ống để lưu âm thanh, các lỗ trên ống này được đục theo hàng cho có âm điệu...

Công đoạn buộc dây cho đàn.

Nghệ nhân Ka Tơr Đôi dùng mũi dao nhọn, xẻ vào thân ống rồi làm nảy lên 12 dây đàn. Ông chia làm 6 cặp dây với những âm vực khác nhau, sau đó gài những đốt tre nhỏ làm ngựa đàn để tạo ra những âm điệu phong phú... Nghệ nhân Ka Tơr Đôi cho biết, người Raglai vẫn chơi đàn Chapi trong những dịp hội hè, mang đi nương rẫy... và trong mọi hoạt động văn hóa cộng đồng của người Raglai. 

Nhiều chàng trai Raglai còn mượn lời cây đàn, để bày tỏ tình cảm với người con gái mình thương... Và dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Ka Tơr Đôi, tiếng đàn Chapi đong đầy hồn người Raglai đã vang lên những âm thanh trầm bổng, da diết, hút hồn du khách.

Bài và ảnh: Lan Lộc - Lê Phú/Báo Tin Tức