04:22 10/04/2019

'Cầu Vàng' giành giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018-2019

Là giải thưởng định kỳ 2 năm/ lần tổ chức (bắt đầu từ năm 1994), Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018-2019 đã đánh dấu hành trình 25 năm đồng hành cùng ngành kiến trúc nước nhà, góp phần nâng cao nhận thức về kiến trúc cho xã hội của giải thưởng.

GTKTQG năm nay có 158 tác phẩm tham dự, thuộc 8 thể loại và 15 hạng mục (tăng 32% so với kỳ giải thưởng trước).

Chú thích ảnh
"Cầu Vàng" Đà Nẵng nổi bật trong hạng mục Thiết kế cảnh quan của giải thưởng năm nay.

Hội đồng xét giải gồm 15 thành viên là đại diện lãnh đạo Bộ XD, Bộ VHTTDL, các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, văn hóa, lịch sử và hoạch định chính sách… Hội đồng đã làm việc trên nguyên tắc đảm bảo tính trung thực, khoa học, công bằng, khách quan, thông qua hình thức phân tích, thảo luận về hồ sơ có kết hợp với khảo sát thực tế và bỏ phiếu kín để chọn giải.

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) do Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTSVN), Bộ Xây dựng (XD), Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) phối hợp tổ chức, nhằm thúc đẩy sáng tạo kiến trúc, tôn vinh các tác giả, tác phẩm kiến trúc trên toàn quốc, góp phần định hướng phát triển kiến trúc cũng như nâng cao nhận thức xã hội về kiến trúc.

Theo đánh giá của Hội đồng, các tác phẩm dự thi năm nay có quy mô không lớn nhưng với nhiều ý tưởng và giải pháp kiến trúc độc đáo, thú vị. Đó là nhà ở nông thôn mới với tác phẩm “Nhà Bắc Hồng” - một sự kết hợp thành công giữa hiện đại và truyền thống trong tổ chức không gian ở, tạo sự kết nối các thế hệ trong gia đình thông qua không gian sinh hoạt chung trong và ngoài nhà với triết lý “xa mà gần”. Hay công trình “Nhà ở xã hội Hưng Thịnh” cho thấy cách tổ chức không gian chung cư hợp lý, thông thoáng, tiết kiệm mà vẫn đủ tiện ích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân với ngân sách hạn hẹp.

Chú thích ảnh
Cầu Vàng Đà Nẵng.

Hội đồng Giải thưởng đánh giá cao các ý tưởng sáng tạo mới, độc đáo nhưng khả thi của các tác phẩm kiến trúc, quy hoạch đoạt giải. Tiêu biểu là những công trình trường học được thiết kế theo xu hướng tiến bộ, tổ hợp hình khối đơn giản, chắt lọc, dây chuyền công năng mạch lạc, kết hợp cảnh quan sân vườn với các giải pháp chiếu sáng, thông gió và che chắn nắng… làm tăng thêm tính thẩm mỹ và giá trị sử dụng của công trình, đem lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư như Trường liên cấp hội nhập quốc tế Ischool Quảng Trị, Trung tâm Đào tạo Học viện Viettel…

Chú thích ảnh
"Nhà Bắc Hồng" giành giải vàng.

Hay đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Pleiku” cũng đã rất thành công khi đưa ra những giải pháp về điều chỉnh hợp lý động lực và mục tiêu phát triển đô thị theo hướng “Thành phố vì sức khỏe” cùng với việc tạo nét đặc trưng hình thái không gian đô thị Pleiku trên cơ sở khai thác hệ thống núi lửa dương và âm liên kết với các hồ nước và dòng suối thay đổi theo sự đa dạng của địa hình.

Chú thích ảnh
Nhà Bắc Hồng

Nổi bật trong hạng mục Thiết kế cảnh quan là “Cầu Vàng” ở Đà Nẵng với ý tưởng kiến trúc độc đáo, như một dải lụa mềm mại vắt ngang Bà Nà được nâng đỡ bởi hai bàn tay đá khổng lồ, thực sự tạo ấn tượng mạnh về một công trình vừa thơ mộng, tinh tế, vừa hùng vĩ và tráng lệ. Bên cạnh đó, là đồ án “Thiết kế cảnh quan Khu đô thị sinh thái biển Lạc Việt” với không gian dòng suối được khai thác khéo léo thành trục cảnh quan sinh thái chính, tạo điểm nhấn hấp dẫn của khu đô thị.

Chú thích ảnh
Công trình “Nhà ở xã hội Hưng Thịnh” cho thấy cách tổ chức không gian chung cư hợp lý, thông thoáng, tiết kiệm.

Hạng mục Ấn phẩm Kiến trúc với số lượng tham dự kỷ lục là 22 cuốn sách của các tác giả trong nước và nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý là cuốn “Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật” đề cập đến những vấn đề về lý luận và phê bình nghệ thuật Việt Nam, về bản chất của Nghệ thuật, cũng như mối quan hệ phức tạp giữa truyền thống và hiện đại, giữa tính quốc tế và tính địa phương trong lĩnh vực hội họa và kiến trúc ở nước ta.

Năm nay, trong cơ cấu giải thưởng có giải cho tác phẩm ứng dụng công nghệ mang tính đột phá, nhưng rất tiếc là Hội đồng đã không chọn được tác phẩm nào đáp ứng tiêu chí của giải. Đây là vấn đề cần khuyến khích trong những kỳ giải tới.

Chú thích ảnh
Đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Pleiku”.

Kết quả GTKTQG 2018-2019 gồm: 1 giải Vàng, 11 giải Bạc, 22 giải Đồng và 1 giải cho Tác phẩm Kiến trúc được cộng đồng yêu thích. Bên cạnh đó là Bằng khen cho 6 KTS Trẻ tiêu biểu có thành tích đạt giải cao, 1 Bằng khen cho Cá nhân tích cực tham dự Kỳ Giải. Kết quả này là sự ghi nhận trân trọng nhất đối với các tác phẩm - tác giả, những người đang nỗ lực khẳng định vai trò của kiến trúc, quy hoạch trong đời sống xã hội.

“Năm nay cũng ghi dấu 25 năm GTKTQG. 25 năm là mốc thời gian đủ để nhìn lại và đánh giá về GTKTQG. Qua 12 kỳ Giải thưởng cho thấy GTKTQG đã góp phần ghi nhận và phát hiện tài năng của KTS; nâng cao nhận thức xã hội về kiến trúc; đồng thời khích lệ tư duy sáng tạo theo xu hướng tiến bộ và trách nhiệm xã hội của KTS đối với sự phát triển của nền kiến trúc nước nhà, qua đó góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”, đại diện BTC giải thưởng cho biết.

Lễ trao giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2018 – 2019 được diễn ra tại khách sạn Pullman – Vũng Tàu vào tối 19/4/2019.

Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm này còn có Liên hoan Kiến trúc sư trẻ toàn quốc - là một hoạt động do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức 2 năm một lần, quy tụ được đông đảo các Kiến trúc sư trẻ trên mọi miền đất nước tham gia với các sinh hoạt nghề nghiệp bổ ích. Liên hoan năm nay diễn ra tại Vũng Tàu, thu hút trên 1.300 kiến trúc sư cả nước và các kiến trúc sư trẻ quốc tế tham dự, với nội dung “The Face – Diễn đàn Kiến trúc và phát triển sáng tạo”. Liên hoan diễn ra từ ngày 19- 21/4/2019.

PV