07:11 03/07/2016

Cấu trúc đề địa lý quen thuộc, nhiều thí sinh ra sớm

Tại Hà Nội, ở một số điểm thi THCS Dịch Vọng Hâu, THCS Yên Hòa, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhiều thí sinh ra sớm so với thời gian làm bài.

Tại Hà Nội, ở một số điểm thi THCS Dịch Vọng Hâu, THCS Yên Hòa, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhiều thí sinh ra sớm so với thời gian làm bài. Nhiều em cho biết, đề địa lý không khó, vừa sức với thí sinh.


Thí sinh Lê Thu Trà, THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội cho biết: “Đề địa lý không khó. Có nhiều bạn kết thúc bài thi so với thời gian quy định 1 tiếng. Câu vẽ biểu đồ và yêu cầu sử dụng Atlat hầu hết các bạn trong phòng thi của em đều làm được và dễ đạt điểm tối đa trong câu này.


Thí sinh đến Hoàng Hương từ trường THPT chuyên ngữ, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Đề thi vừa sức, chắc sẽ ít có trường hợp bị điểm liệt; tuy nhiên vẫn có câu để phân loại thí sinh. Nhưng để đạt điểm tối đa ở đề này chắc chắn không chỉ có kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải có kiến thức thực tế. Ví dụ như câu 4 liên quan đến vấn đề xâm thực mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, đây là câu để phân loại thí sinh”.


Theo cô Phùng Thị Thanh Thảo, giáo viên Địa lý, trường THPT Anhxtanh, Hà Nội thì cấu trúc đề thi địa lý tương tự với cấu trúc đề thi THPT Quốc gia năm 2015 nên các em đã rất quen thuộc.

Hàng trăm thí sinh ở điểm thi THCS Yên Hòa ra trước thời gian làm bài. Nhiều em vui vẻ cho biết, đề thi vừa sức.

Cô Thảo phân tích: “Câu 1: Kiến thức nằm hoàn toàn trong SGK, câu hỏi dễ và không cần phải tư duy, logic để trả lời. Câu 2: Đề bài đã chỉ sẵn các trang Atlat cần sử dụng nên rất thuận tiện cho các em đọc bản đồ. Câu trả lời dựa hoàn toàn vào Atlat, các em chỉ cần thành thạo kĩ năng đọc bản đồ đã có thể trả lời rất dễ dàng và đây là câu “ăn điểm” tuyệt đối cho các em. Câu 3: a): Đề thi yêu cầu rất rõ ràng :vẽ biểu đồ tròn nên học sinh sẽ đạt điểm gần như tuyệt đối ở câu này nếu các em thao tác đầy đủ các bước xử lý số liệu, tính bán kính và vẽ biểu đồ chính xác, rõ ràng, khoa học. b): Nhận xét và giải thích quy mô lao động đang làm việc và sự thay đổi cơ cấu của nó phân theo ngành kinh tế dựa vào biểu đồ kết hợp với kiến thức đã học trong chương trình Địa lý 12. Với những em có kĩ năng thực hành tốt thì đây là việc đơn giản. Câu 4: Câu này đòi hỏi các em cần có tư duy, logic, kết hợp cả kiến thức có trong SGK và kiến thức thực tế để trả lời. Đây là câu hỏi hay, đánh giá được năng lực của học sinh và mang tính chất phân loại học sinh. Kiến thức bao quát các nội dung trong chương trình sách giáo khoa”.


Cô Thảo nhận xét: “Việc được mang Atlat vào phòng thi giúp các em trả lời tốt các câu hỏi và có những dẫn chứng hợp lý, không nhất thiết phải học vẹt nếu có kĩ năng phân tích bản đồ tốt. Đề thi vừa sức với trình độ của học sinh, nội dung các câu hỏi không khó và nằm hoàn toàn trong chương trình SGK, chỉ cần HS ôn luyện chăm chỉ thì bài làm sẽ đạt trên 70%. Đề thi năm nay mang tính phân loại tốt để chọn thí sinh vào đại học hoặc xét tốt nghiệp”.

Lê Vân