09:15 15/09/2013

Cầu Long Biên

Người đi, người đi…Một trăm năm…lịch sử oằn mình trĩu nặng. Đất nước bay lên trong dáng rồng, dáng phượng, trong thảnh thơi thấp thoáng dáng cây cầu.

Người Pháp đã để lại ở sông Hồng nước ta một phương tiện, một kiểu dáng, một cố gắng, một cống hiến mặc dầu mục đích ban đầu không hẳn hoàn toàn là như thế.


Nhưng khi dầm chân xuống sâu đằm đất Việt, vắt ngang dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, cây cầu đã thoắt dáng rồng bay.


Được ôm trọn, bế bồng trong vòng tay Đất Mẹ linh thiêng, cây cầu thành con của Mẹ.


Lịch sử dân tộc bắt đầu chảy qua cầu bằng những gồng gánh rau dưa tất tả, những lem luốc bụi bặm xe bò kéo, xe tay, xe ba gác, áo cơm trộn lẫn mồ hôi.


Những năm trường mất nước, ghê lạnh tiếng giày đinh, tiếng cùm xích giải tù, tiếng đạn lên nòng, súng nổ, tiếng thân người quăng liệng xuống sông, máu đục ngầu đỏ nước… cây cầu trĩu nặng hờn căm.


Rồi một bữa rầm rập bước chân gồng gánh, chói sáng cờ đỏ sao vàng, non sông vang tiếng hịch: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian..Giờ khởi nghĩa đã điểm. Đem sức ta mà giải phóng cho ta”.


Rồi những ngày Hà Nội ngập tràn lửa khói. Lặng lẽ bước chân những người lính Trung đoàn Thủ đô rút dưới gầm cầu. Nghẹn uất căm hờn ghìm nén. Chém một câu thề hẹn ngày về giải phóng.


Rồi bước chân những tên lính Pháp cuối cùng rời đi trong đêm mùng chín tháng mười năm một chín năm tư. Hà Nội lại ngập tràn hoa, cờ đỏ và những gương mặt người rạng rỡ “Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa”.


Mịt mờ đạn bom những tháng năm giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại. Rậm rịch pháo, rậm rịch những đoàn xe phủ bạt nối đêm lặng lẽ. Những người lính đăm đăm nhìn về phía trước. Còi báo động vang rền: “Đồng bào chú ý! Máy bay địch còn cách Thủ đô hai mươi cây số. Bà con xuống hầm. Các lực lượng vũ trang chuẩn bị chiến đấu”. Pháo cao xạ, súng trường, máy bay, tên lửa- Rồng lửa Thăng Long vút lên vít cổ lũ giặc trời “Thần Sấm”, “Con Ma”, Ép Năm”, Ép Bốn”…


Rồng lửa Thăng Long vút lên vít cổ đàn đàn pháo đài bay B52- bầy ngoáo ộp dã man khát máu, quật tan xác chúng giữa đất Thủ đô văn hiến ngàn năm.


Khói lửa lắng tan, trắng nõn mây bông nhởn nhơ trong xanh ngắt da trời trở lại. Cây cầu tự vá lành thương tích, lại nặng nhọc phì phò cõng đoàn xe lửa qua sông, khói bụi than mịt mờ nước sông Hồng. Người đi, người đi… đất nước còn lầm lụi, áo vá vai, gồng gánh vẫn qua cầu.


Người đi, người đi… Một trăm năm… lịch sử oằn mình trĩu nặng. Đất nước bay lên trong dáng rồng, dáng phượng, trong thảnh thơi thấp thoáng dáng cây cầu.

 
Đàm Chu Văn