07:21 15/07/2011

Câu chuyện thể thao: Góc tối của vinh quang

Đỉnh của bóng đá thế giới hiện nay mang tên Tây Ban Nha. Điều đó không có gì bàn cãi. Xứ sở đấu bò tót mới kỷ niệm tròn 1 năm đăng quang World Cup...

Đỉnh của bóng đá thế giới hiện nay mang tên Tây Ban Nha. Điều đó không có gì bàn cãi. Xứ sở đấu bò tót mới kỷ niệm tròn 1 năm đăng quang World Cup. Còn ở cấp độ CLB, Barcelona đang thống trị với lần lên ngôi Champions League ngoạn mục ở mùa giải qua. Nhưng, đằng sau sự rực rỡ đó vẫn còn một khoảng u ám đáng ngại.

Các giải bóng đá Tây Ban Nha đang chìm trong tình trạng nợ nần, quản lý yếu kém và phá sản. Đã có 22 CLB rơi vào tình trạng vỡ nợ cần được bảo lãnh kể từ sau nạn nhân đầu tiên là Las Palmas hồi năm 2004. Cuối tuần qua, đến lượt Racing Santander, đội bóng đang góp mặt ở giải cao nhất La Liga cũng phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản do không còn khả năng thanh toán nợ nần. Đây là đại diện thứ 6 của Liga mùa này lâm vào tình trạng hiểm nguy tài chính trong khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa, cuộc đua mới sẽ bắt đầu.

Bóng đá Tây Ban Nha vinh quang trên sân cỏ nhưng nền tảng tài chính đang báo động.

Có một loạt yếu tố dẫn đến vấn đề này: Phí chuyển nhượng quá lớn, lương cầu thủ ngày càng tăng, các ông chủ quản lý yếu kém đồng thời phải kể đến một khía cạnh quan trọng trong phân chia nguồn lợi nhuận bản quyền truyền hình là các đại gia như Barcelona, Real Madrid nhận được “miếng bánh to” trong lúc phần còn lại ngậm ngùi san sẻ khoản ít ỏi.

La Liga từ lâu bị coi là “chuyện tay đôi” giữa Barcelona và Real Madrid mà chuyện tiền bạc góp phần không nhỏ tạo nên điều đó. Một vòng tròn luẩn quẩn khi với danh tiếng của mình, hai đại gia này kiếm bẫm từ bản quyền truyền hình cũng như các nguồn thu khác. Từ đó, họ lại rủng rỉnh ngân sách để đầu tư cho đội hình ngày càng mạnh mẽ.

Đây là một vấn đề bị coi là mang tính hệ thống và tác động mạnh đến cả La Liga. Giàu càng giàu. Nghèo càng nghèo. Khoảng cách chuyên môn càng bị đào sâu. Theo hãng tư vấn tài chính Deloitte, doanh thu của La Liga mùa 2009-10 tăng mạnh nhất so với các giải châu Âu khác, đạt mức 8% lên tới 2,3 tỷ USD. Nhưng phần lớn thuộc về Barcelona và Real Madrid, riêng tổng doanh thu hai đội này đã là 1,2 tỷ USD.

Dễ thấy là 18 đội còn lại gặp không ít khó khăn. Quản lý tài chính yếu kém càng rắc rối hơn bởi tình trạng ốm yếu chung của nền kinh tế Tây Ban Nha. Chỉ một số ít đội đủ khả năng trả lương cầu thủ đều đặn. Ước tính lúc này vẫn còn 43 triệu USD tiền nợ lương của hơn 100 cầu thủ chưa được các CLB thanh toán.

Luis Rubiales, người đứng đầu Hiệp hội cầu thủ của Tây Ban Nha cho biết: “Mới gần đây thôi, Liên đoàn bóng đá Rumani gửi thư cho tất cả các cầu thủ của họ, nhắc nhở cần xem xét kỹ lưỡng hợp đồng trước khi ký kết và không nên đến Tây Ban Nha, ở đó chẳng còn tiền”.

Đây đang giống như một hồi kết buồn cho cuộc bùng nổ của ngành bóng đá Tây Ban Nha suốt thập kỷ qua. Trong bối cảnh kinh tế chung tăng trưởng mạnh mẽ nhờ thị trường bất động sản, bóng đá cũng lên cơn sốt nhất là từ khi Real Madrid gây lạm phát thị trường chuyển nhượng, xây dựng những “Dải Ngân hà” đầy sao. Hậu quả là giá và lương cầu thủ ngày một leo thang gây thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Mùa 2009-10, thua lỗ của các đội bóng ở La Liga lên đến 140 triệu USD còn tổng nợ đã là 4,8 tỷ USD, gấp đôi tổng doanh thu.

Bóng đá Tây Ban Nha đang trên đỉnh vinh quang. Nhưng đáy u ám về tài chính cũng đang trước mặt. Luật “Fair Play” của UEFA áp dụng từ mùa giải tới được coi là một yếu tố có thể giúp sửa chữa, khắc phục nguy cơ hiện nay. Các giải Tây Ban Nha có luật vốn lỏng lẻo, không phạt điểm hay giáng xuống hạng những đội quản lý tài chính yếu kém. Nhưng khi UEFA áp đặt luật “Fair Play” về công bằng tài chính với những chế tài rõ ràng, La Liga sẽ phải học theo mà trước mắt là một cuộc họp giữa tuần này của các CLB để bỏ phiếu thông qua những quy định hạn chế chi tiêu.

Trung Sơn