09:19 05/09/2018

Câu chuyện pháp đình tại Quảng Bình khiến người dân bức xúc

Đó là câu chuyện pháp đình liên quan đến bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên cán bộ địa chính xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Chú thích ảnh
Đối tượng Nguyễn Ngọc Sơn. Ảnh: dantri.com.vn

Trong phiên tòa sơ thẩm vào đầu tháng 5/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tuyên buộc Sơn mức án rất cao với 20 năm tù giam về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản” theo điều 355 Bộ luật Hình sự và phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền hơn 1,4 tỷ đồng cho các bị hại.  

Án đã tuyên nhưng không làm cho người dân hài lòng. Nhiều người tỏ rõ bất bình, bức xúc vì cho rằng có quá nhiều “việc lạ” trong quá trình tố tụng của cơ quan chức năng, có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm chính của vụ án này… 

Theo diễn biến vụ án, từ năm 2006 đến tháng 4/2016, trên cương vị công chức Địa chính - Xây dựng xã Hoàn Trạch, Nguyễn Ngọc Sơn là người tiếp nhận đơn xin cấp đất làm nhà ở của các hộ dân trên địa bàn. Lợi dụng việc này, Sơn đã yêu cầu 65 hộ dân trong xã nộp tiền cao hơn quy định của Nhà nước để chiếm đoạt hơn 1,4 tỷ đồng…

Khi bị phát hiện, tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa, Nguyễn Ngọc Sơn đều thành khẩn nhận tội, tỏ ra ăn năn, hối cải với lỗi lầm của mình bằng cách động viên gia đình khắc phục được một phần hậu quả. Quan trọng hơn, Sơn chủ động khai báo với các cơ quan tố tụng làm rõ sai phạm của một số đối tượng trong đường dây liên quan vụ án “chiếm đoạt tài sản” này.

Theo khai nhận tại cơ quan điều tra và tại tòa sơ thẩm, Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, hành vi phạm tội của mình là do chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch Hoàng Đức. Số tiền chiếm đoạt, Sơn đã chuyển cho Đức hơn 803 triệu đồng.

Ngoài ra, Sơn còn khai Đức chỉ đạo cho mình chi trả cho nhiều đối tượng, doanh nghiệp nhận công việc hoặc công trình của UBND xã với tổng số tiền hơn 337 triệu đồng… Điều này được ghi lại trong một cuốn sổ tay và cuốn sổ này đã chuyển giao cho cơ quan điều tra theo yêu cầu.

Chúng tôi đã về xã Hoàn Trạch gặp người dân, trong đó có nhiều người là bị hại trong vụ án. Tất cả đều cho rằng việc “lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản” ở xã Hoàn Trạch là có tổ chức, có lập quỹ đen. Nguyễn Ngọc Sơn chỉ là một “con tốt” trong đường dây này. 

Một vụ án tưởng chừng đơn giản khi bị cáo thành khẩn nhận tội, khai báo với nhiều bằng chứng rõ ràng nhưng không hiểu sao lại trở nên phức tạp để Hội đồng xét xử phải 3 lần tuyên hủy phiên tòa, trả hồ sơ hai lần cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Bình yêu cầu bổ sung chứng cứ liên quan đến vai trò, trách nhiệm, hành vi của nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch Hoàng Đức. Tuy nhiên, sau hai lần điều tra bổ sung, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ kết luận không đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với ông Đức.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình cho biết: Quan điểm, nhận định của Tòa án thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với Hoàng Đức (nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch). Vì vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã trả lại hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung chứng cứ, bị can đối với ông Đức nhiều lần nhưng không được đáp ứng nên phải xét xử vụ án theo quy định. 

Điều làm cho nhiều người đặt câu hỏi nhất là lời khai của Sơn tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu khi cho rằng, trong quá trình điều tra, điều tra viên đã không khách quan, chỉ chú ý chứng cứ để gỡ tội cho Hoàng Đức. Cũng tại phiên tòa này, Sơn đã khẩn thiết yêu cầu thay đổi điều tra viên nhưng không được đáp ứng.

Trở lại quá trình điều tra vụ án để thấy sự bất nhất trước và sau là rất lớn. Như ban đầu tại Cơ quan Điều tra, Sơn khai Hoàng Đức đã chỉ đạo mình chi trả tiền (tiền thu từ làm giấy tờ cấp đất sai phạm mà có) nhiều lần cho các đối tượng, doanh nghiệp nhận việc hoặc công trình của UBND xã. Các đối tượng, doanh nghiệp cũng khai nhận Hoàng Đức chỉ đạo lấy tiền ở Sơn. Trong đó, nhiều đối tượng, doanh nghiệp còn có giấy thanh toán do Đức và kế toán của xã ký. Khi chi trả tiền, Sơn nhận các giấy thanh toán này.

Với những lời khai và bằng chứng có được, cơ quan tố tụng có thể dễ dàng đấu tranh để làm rõ về nguồn gốc số tiền Sơn giữ có phải là “quỹ đen” của những đối tượng đồng phạm trong vụ án. Tuy nhiên không rõ vì sao, trong khi cơ quan tố tụng kéo dài quá trình điều tra, bổ sung chứng cứ, chứng cứ ngày càng rơi rụng dần khi các đối tượng, doanh nghiệp thay đổi lời khai, quay ngoắt 180 độ và cho rằng việc nhận tiền là có thật nhưng ông Hoàng Đức, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch không chỉ đạo.

Từ đây, cơ quan tố tụng tại tỉnh Quảng Bình vội vàng đưa ra kết luận không đủ chứng cứ buộc tội ông Hoàng Đức. Việc thanh toán tiền giữa Sơn và các đối tượng, doanh nghiệp chỉ là việc làm dân sự. Hai bên tự thỏa thuận với nhau không theo thủ tục, nguyên tắc quản lý tài chính ngân sách của xã nên không có cơ sở kết luận Sơn chi ứng, cho mượn tiền là vì việc công, không có tài liệu là ông Hoàng Đức đã chỉ đạo và cá nhân ông Hoàng Đức không thừa nhận đã chỉ đạo.

Kết luận trên của cơ quan tố tụng đã cho thấy sự vô lý khi với gia cảnh chẳng lấy gì làm khá giả, Sơn có đủ “hào phóng” để đứng ra chi trả hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng, doanh nghiệp xây dựng công trình cho xã Hoàn Trạch. Và nếu Sơn tự chi trả như kết luận của cơ quan điều tra chẳng lẽ một thời gian dài như vậy UBND xã Hoàn Trạch và ông Chủ tịch UBND xã cũng như người dân không biết. Hiện nay, gia đình Nguyễn Ngọc Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, đang sống nhờ trong ngôi nhà tình thương mái ngói hai gian do bà nội là vợ, mẹ liệt sỹ được Nhà nước xây dựng.    

Tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua, nhiều người dân tham dự đã không kìm nén được bức xúc với nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch Hoàng Đức, đối tượng mà họ cho rằng là “đầu têu” nhưng được xử thoát tội trong vụ án này.  

Ngay sau khi bản án sơ thẩm tuyên được 5 ngày, 43 người dân, trong đó có 35 bị hại ở xã Hoàn Trạch đã ký đơn tập thể gửi Tòa án nhân dân Tối cao xin kháng án, xin bãi nại giảm hình phạt cho Sơn và yêu cầu điều tra, làm rõ bản chất vụ án, không để lọt tội phạm liên quan, nhất là đối tượng Hoàng Đức, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch.

Cũng tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình vào trung tuần tháng 7 vừa qua, vấn đề nóng, nhận được nhiều ý kiến chất vấn của đại biểu nhất, đó là câu hỏi liệu có bỏ lọt tội phạm trong vụ án đất đai ở ở xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch của tỉnh không? 

Trước bức xúc của nhiều đại biểu, ông Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cơ quan tố tụng tiếp tục tập trung điều tra làm rõ để không bỏ lọt tội phạm trong vụ án liên quan đất đai xảy ra ở xã Hoàn Trạch. 

Về xã Hoàn Trạch trong thời điểm này, hỏi về vụ án thấy ai cũng buồn và bức xúc. Theo người dân, Hoàng Ngọc Sơn, cán bộ địa chính xã làm sai phải chịu tội nhưng sai chừng nào phải chịu chừng ấy, không thể nào một mình Sơn trong thời gian dài đến 10 năm làm việc sai mà không bị phát hiện nếu không có một đường dây. 

Cụ Hoàng Cống, năm nay đã hơn 70 tuổi, thuộc hộ gia đình nghèo ở xã Hoàn Trạch, là một trong 65 bị hại của vụ án vừa qua với số tiền bị chiếm đoạt lên đến 35 triệu đồng. Cụ cho rằng, không thể hiểu được tại sao cơ quan tố tụng lại không vạch được tội danh của ông Đức. Việc cụ mất tiền ông Đức biết. Cụ đã nhiều lần lên xã gặp ông Đức yêu cầu làm giấy cấp đất cho con và ông ấy cũng đã hứa sẽ làm nhưng đến nay “tiền mất mà đất chả có”…

Để tố cáo đường dây chiếm đoạt tài sản của dân trong làm giấy cấp quyền sử dụng đất ở xã Hoàn Trạch, cụ Cống đã làm 3 đơn tố cáo nhưng không hiểu sao Cơ quan điều tra của tỉnh Quảng Bình không làm rõ được đường dây tội phạm này.

Hiện vụ án đã được chuyển cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng thụ lý xét xử phúc thẩm theo đề nghị kháng án của bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn. Người dân ở xã Hoàn Trạch đang chờ từng ngày xét xử vụ án.

Hi Trang - Võ Dung (TTXVN)