05:06 01/05/2025

Câu chuyện hòa giải trong cách nhìn nhận của thế hệ người Việt trẻ

Giáo sư Alex Thái Võ, Đại học Texas (Mỹ), thuộc thế hệ người Việt trẻ có bố từng phục vụ trong chế độ cũ nên ông theo gia đình sang Mỹ từ nhỏ. Nhân dịp kỷ niêm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ, Giáo sư Alex Thái Võ đã có những chia sẻ đầy tâm huyết với phóng viên TTXVN về vấn đề hòa giải giữa những người con Việt Nam đang sinh sống trên đất Mỹ với những người Việt ở trong nước.

Chúng tôi gặp Giáo sư Alex Thái Võ tại hội thảo về Hàn gắn vết thương chiến tranh do Viện Hòa Bình Mỹ (USIP) tổ chức hằng năm. Hội thảo thể hiện những nỗ lực của cả hai nước từ đối đầu, quyết định hợp tác và trở thành Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023.

Giáo sư Alex Thái Võ cho rằng tiến trình xích lại gần nhau giữa Mỹ và Việt Nam không chỉ nhờ nỗ lực của hai chính phủ mà còn có sự đóng góp quan trọng của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong việc giải quyết những khúc mắc và hậu quả chiến tranh. Một điểm quan trọng nữa tại hội thảo là có đề cập tới vai trò của người Việt ở hải ngoại và đặc biệt là người Mỹ gốc Việt về vai trò và ý nghĩa của sự hàn gắn hay cái gọi là hòa giải với nhau. Các thảo luận tập trung vào việc hai bên cần nhìn nhận lịch sử một cách thẳng thắn, thừa nhận sự tồn tại của nhau, và cùng nhau giải quyết các vấn đề thiết yếu. Một ví dụ điển hình là việc làm sao người Việt Nam có thể hợp tác trong việc tìm kiếm hài cốt của những người đã mất trong chiến tranh, không phân biệt thuộc về bên nào, cũng như các nỗ lực khác nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh.

Giáo sư Alex Thái Võ cũng không nhận mình có thể đại diện cho tiếng nói của cộng đồng người Việt ở Mỹ, họ có những suy nghĩ như thế nào về vấn đề hòa giải và những bước tiến chung. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một người đã tương tác rất nhiều với các cộng đồng người Việt ở hải ngoại và đặc biệt là người Việt ở Mỹ thuộc nhiều thế hệ, đi đến nhiều cộng đồng ở nhiều thành phố lớn nhỏ khác nhau, ông nhận ra ai cũng có một khúc mắc lịch sử và ai cũng có một giai đoạn lịch sử mà họ phải trải qua.

Tuy nhiên, ông Alex Thái Võ cảm nhận được trong sâu thẳm tâm tưởng của tất cả mọi người đều hướng về Việt Nam và đều yêu Tổ quốc, yêu người dân Việt Nam. Điều đó được chứng minh từ thập niên 90 khi ông cùng gia đình sang Mỹ cho đến nay, ông thấy mỗi lần Việt Nam có những biến cố gì, đặc biệt như là bị bão lũ, thiên tai hay khó khăn nào đó, những người Việt tại đây đều gom góp tiền để gửi về giúp cho bà con ở miền Trung, miền Bắc, miền Nam. Hành động ấy thể hiện tinh thần của người Việt nói chung, muốn chung tay giúp đỡ nhau.

Giáo sư Alex Thái Võ nhấn mạnh dưới góc độ con người với nhau, đôi khi có những khác biệt về mặt lịch sử, về mặt tư tưởng, việc ngồi lại trao đổi và thấu hiểu lẫn nhau sẽ giúp mọi người nhận ra mong muốn chung về một tương lai tốt đẹp cho quê hương Việt Nam. Với tư cách là người thuộc thế hệ 1.5 (thế hệ sinh tại Việt Nam là con của thế hệ thứ nhất và trưởng thành tại Mỹ), ông cảm thấy may mắn khi có cơ hội tham gia hội thảo và truyền tải tiếng nói của những người Việt ở Mỹ mà ông đã gặp gỡ. Dù có những khác biệt, nhưng nếu nhìn nhận nhau bằng sự đồng cảm và tình yêu quê hương, Giáo sư Alex Thái Võ tin rằng người Việt có thể xích lại gần nhau hơn và giải tỏa những khúc mắc do chiến tranh để lại.

Giáo sư Alex Thái Võ cũng chia sẻ thêm câu chuyện khi mình bắt đầu đến trường đại học Texas Tech để làm công việc nghiên cứu những hồ sơ từ thời chiến tranh. Ông sử dụng thông tin này để hỗ trợ gia đình và Chính phủ Việt Nam trong chương trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Trước khi bắt đầu công việc này, ông đã xin ý kiến cha mình, người từng phục vụ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Cha ông đã dứt khoát ủng hộ, nhấn mạnh đây là hành động nhân đạo, bởi khi đã ngã xuống, tất cả đều là người Việt Nam. Khi Giáo sư Alex Thái Võ chia sẻ công việc này với cộng đồng người Việt ở nhiều bang, ông nhận thấy sự đồng tình, khác với những lo ngại ban đầu. Tinh thần nhân đạo và ý nghĩa hàn gắn vết thương chiến tranh đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng.

Với một chuyên gia phụ trách vấn đề hàn gắn, khắc phục hậu quả chiến tranh tại Viện Hòa Bình Mỹ (USIP), ông Andrew Well Đặng đã có hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, ông cũng là người tổ chức và điều phối các cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam hàng năm của USIP. Ông cho rằng vấn đề hòa giải sau chiến tranh phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của thế hệ trẻ, nhất là những người sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Tại USIP, bên cạnh những hoạt động liên quan đến khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm hài cốt mất tích trong chiến tranh… các hoạt động liên quan đến giáo dục, tuyên truyền nhận thức cho thế hệ trẻ về công tác hòa giải sau chiến tranh cũng rất được quan tâm. Theo đánh giá của ông, người Mỹ ngày nay đã có cái nhìn khác về Việt Nam, không còn bị ám ảnh bởi hình ảnh chiến tranh mà thay vào đó, họ thấy được một Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế với những thành tựu ấn tượng về kinh tế, văn hóa và công nghệ .

Với những thế hệ 1.5 như ông Alex Thái Võ và những người Việt trẻ thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3, công việc hàn gắn vết thương chiến tranh sẽ giúp mang đến một cách nhìn nhận mới về vấn đề hòa giải trong thời đại mới.

Kiều Trang - Đoàn Hùng (TTXVN)