03:18 25/03/2020

Câu chuyện của những người thử vaccine ngừa COVID-19

Có thể bị tiêu chảy, sốt cao và tâm lý hơi lo sợ, song những tình nguyện viên thử nghiệm vaccine đều mong muốn góp phần giúp thế giới tìm ra loại thuốc có thể ức chế virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang hoành hành.

Chú thích ảnh
Công ty dược phẩm Đức CureVac nghiên cứu vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Ảnh: Reuters

Xiao Mi là một trong 108 tình nguyện viên ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) trở thành những người đầu tiên tại quốc gia này được tiêm vaccine có tiềm năng ngừa virus SARS-CoV-2.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), cuộc thử nghiệm được tiến hành vào ngày 19/3 tại thành phố Vũ Hán – nơi từng bị coi là “tâm dịch” COVID-19, chỉ 3 ngày sau khi Bắc Kinh “bật đèn xanh” cho công ty dược phẩm CanSino Biologics phối hợp với quân đội Trung Quốc thực hiện.

Dựa trên những thông tin đăng trên hồ sơ đăng ký thử nghiệm y tế của Trung Quốc, các tình nguyện viên – trong độ tuổi từ 18 đến 60 có sức khỏe tốt – được chia là ba nhóm, mỗi nhóm gồm 36 người. Các nhóm này sẽ được tiêm một loại vaccine với ba liều lượng từ thấp, vừa đến cao trong một cơ sở y tế của quân đội.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Science Daily, Wang Junzhi – nhà nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Trung Quốc – cho biết sau khi được tiêm vaccine, những người tham gia thử nghiệm được cách ly 14 ngày để theo dõi tình trạng sức khỏe.

Chia sẻ trên mạng xã hội Weibo, nữ tình nguyện viên trẻ có biệt danh Xiaomi trong nhóm tiêm liều lượng thấp cho hay cô nhận thông báo trước một ngày về việc mình sẽ được tiêm vaccine vào người.

"Có hai người trong nhóm tôi bị sốt đến 38 độ C, một vài người khác bị tiêu chảy”, Xiaomi nói bản thân đã đọc cảnh báo trên mạng về tác dụng phụ của vaccine như gây ra dị ứng. Mặc dù tâm lý có chút lo sợ song tham gia vào thí nghiệm lần này, Xiaomi cảm thấy mình đang đóng góp sức mình cho xã hội.

“Tôi cảm thấy mình có thể chịu đựng được. Tôi muốn làm việc gì đó vượt quá lợi ích của một người bình thường. Chúng ta nên biết ơn những người đã đứng ở tiền tuyến, che chắn cho chúng ta”, Xiaomi bày tỏ.

Một tình nguyện viên khác là Li Ming. Vợ anh, cô Wang Feng, gần đây mới bình phục sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19, song triệu chứng tương đối nhẹ. 

“Là một người bệnh, tôi đã trải qua nhiều khó khăn trong việc nhận được kết quả chẩn đoán và chữa trị. Chồng tôi đã đồng hành cùng tôi qua cơn bệnh này, và anh ấy hoàn toàn hiểu rõ sự khó khăn mà bệnh nhân phải đối mặt”, Science Daily trích lời cô Wang.

Trung Quốc và Mỹ hiện là hai quốc gia dẫn đầu cuộc đua tìm vaccine ngừa COVID-19. Cùng ngày công ty dược phẩm CanSino được phép thử nghiệm, Viện Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia Mỹ và công ty công nghệ sinh học Moderna trụ sở tại Massachusetts cũng bắt đầu hành trình của mình.

Chú thích ảnh
Bà Jennifer Haller (trái) là người Mỹ đầu tiên được tiêm vaccine thử nghiệm ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 tại Trung tâm Nghiên cứu Kaiser Permanente Washington ở Seattle. Ảnh: AP

Khi thấy thông báo các nhà nghiên cứu đang tìm tình nguyện viên thử vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, Jennifer Haller – một nữ công dân sống tại thành phố Seattle (Mỹ) quyết định tham gia. Bà mẹ 43 tuổi có hai người con này trở thành người Mỹ đầu tiên tiêm vaccine thử nghiệm. Sau khi được tiêm loại vaccine có tên mRNA-1273, cánh tay của Haller có sưng một chút song cô cảm thấy trong người vẫn khỏe và “không có tác dụng phụ”.

“Tôi muốn làm một điều gì đó vì có hàng triệu người Mỹ không có cái đặc quyền như tôi đang nhận. Họ mất việc, họ lo lắng khi phải trả tiền hóa đơn hàng tháng, còn phải nuôi gia đình”, Haller chia sẻ. Cô vẫn làm việc tại nhà cho một công ty kỹ thuật nhỏ.

Loại vaccine tiêm cho Haller không có chứa bất kỳ chủng virus yếu hay giảm độc lực nào. Chính vì vậy, cô không thực sự bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo Tiến sĩ Tal Zaks – người đứng đầu phòng nghiên cứu của Moderna, “vaccine thử nghiệm được hình thành từ thông tin điện tử”, nên loại thuốc này không có virus thật, mà chỉ mang thông tin mô phỏng.

Khác với những loại vaccine khác dùng chính virus gây bệnh để kích hoạt hệ miễn dịch của con người, công ty Moderna tạo ra một phân tử ARN tổng hợp của virus SARS-CoV-2. Đầu tháng Một, chỉ vài ngày sau khi virus SARS-CoV-2 được nhận diện, các nhà nghiên cứu đã hình thành các hạt virus tổng hợp mang vật liệu di truyền, từ đó họ hy vọng có thể giúp hệ miễn dịch con người sản sinh ra kháng thể ngăn ngừa.

Ông Zaks cho biết có tổng cộng 45 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm, mỗi người sẽ lần lượt được tiêm vaccine ba liều lượng khác nhau. Mỗi liều tiêm cách nhau 28 ngày. Những tình nguyện viên như Haller phải theo dõi thân nhiệt hàng ngày và báo cáo ngay khi có triệu chứng bất thường. Tất cả những người tham gia sẽ được theo dõi trong tổng cộng 14 tháng. Việc xét nghiệm máu thường xuyên sẽ cho thấy mức độ hiệu quả của vaccine đối với hệ thống miễn dịch. Những người tham gia nghiên cứu sẽ nhận được 100 USD cho mỗi lần đến phòng thí nghiệm.

Các quan chức y tế nhìn nhận cuộc thử nghiệm vaccine phải trải qua rất nhiều giai đoạn để có thể xác định vaccine có hiệu quả và an toàn hay không. Họ dự báo là nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì cũng phải mất đến một năm rưỡi. Trong khi đó, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo rằng phải đến giữa năm 2021 mới có thể hoàn tất việc thử nghiệm vaccine để bán ra thị trường.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức