04:22 18/04/2012

Câu chuyện của "cô bé váy xanh"

Trong con ngõ nhỏ lầy bụi ở khu phố cổ ở thủ đô Cabun của Ápganixtan, "cô bé mặc váy xanh" - nhân vật chính trong bức ảnh của phóng viên hãng AFP vừa đoạt giải thưởng danh giá Pulitzer- vẫn thỉnh thoảng gặp những cơn ác mộng...

Trong con ngõ nhỏ lầy bụi ở khu phố cổ ở thủ đô Cabun của Ápganixtan, "cô bé mặc váy xanh" - nhân vật chính trong bức ảnh của phóng viên hãng AFP vừa đoạt giải thưởng danh giá Pulitzer- vẫn thỉnh thoảng gặp những cơn ác mộng về cái ngày định mệnh khi một kẻ đánh bom liều chết khiến hình ảnh của cô trở nên nổi tiếng thế giới.

Tarana Akbari, 11 tuổi, không còn mặc chiếc váy xanh lá cây mà cô bé yêu thích nhất nữa. Chiếc váy đã nhuốm đầy máu của chính Tarana và những người thân yêu của cô bé trong số 70 người thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết tại một lễ hội tôn giáo ngày 6/12/2011.

Tarana trong bức ảnh đoạt giải Pulitzer 2012. Ảnh: AFP-TTXVN

Bức ảnh cô bé mặc váy xanh gào thét vì sợ hãi sau vụ đánh bom liều chết tại một thánh đường đông người ở Cabun do phóng viên ảnh Massoud Hossaini của AFP chụp đã đoạt giải Pulitzer 2012 ở thể loại "Tin ảnh nóng". Bức ảnh được Ủy ban Pulitzer đánh giá là khiến con tim người xem đau nhói.

Phóng viên của AFP đã tìm đến ngôi nhà nhỏ đơn sơ của Tarana khi cô bé đang dỗ dành đứa em gái 4 tuổi cũng bị thương trong vụ đánh bom ấy. Câu hỏi Tarana cảm thấy thế nào khi bức ảnh của mình xuất hiện trên trang nhất nhiều tờ báo khắp thế giới chỉ nhận được cái lắc đầu nhè nhẹ của cô bé. Nhưng khi lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh của mình trên tờ báo, Tarana đã thốt lên: "Tại sao cháu lại sống được nhỉ? Cháu vẫn nhớ đã nhìn thấy rất nhiều người chết xung quanh mình, chỉ mình cháu sống sót".

"Tiếng nổ khiến cháu rất hoảng sợ", cô bé nói. "Cháu sợ lắm bởi vì lần trước bom nổ đã hủy hoại cả gia đình cháu. Họ (những kẻ đánh bom) đã làm những điều tồi tệ. Lẽ ra họ không nên làm thế".

Anh Ahmad, cha của Tarana, vén áo em gái của cô bé lên để chỉ cho phóng viên AFP thấy những vết sẹo khủng khiếp trên bụng đứa trẻ mới 4 tuổi, hậu quả của vụ đánh bom cuối năm ngoái. Hôm đó, gia đình anh có 17 phụ nữ và trẻ em có mặt tại ngôi đền nằm bên bờ sông gần nhà để dự ngày lễ Thánh Ashura của người Shiite, và 7 người đã mãi mãi ra đi không trở về sau vụ đánh bom kinh hoàng. Em trai 7 tuổi Shoaib của Tarana đã chết, bản thân cô bé bị các vết thương chi chít ở tay và chân. Các vết thương đã khiến Tarana phải tạm nghỉ học và giờ bước chân của cô bé vẫn khập khiễng vì chưa phục hồi hoàn toàn.

Trong ngôi nhà nhỏ tồi tàn của mình, Tarana ngồi chơi với em gái nhỏ. Cô bé không còn chiếc váy xanh lá cây yêu thích nữa nhưng màu xanh của hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn vẫn hiện hữu. Tarana nói rằng em ước mơ trở thành giáo viên dạy tiếng Dari, tiếng nói địa phương cũng là môn học mà cô bé thích nhất.

Minh Tâm