01:20 27/01/2015

Câu chuyện cảm động về tình thày trò

Lý Minh Tuấn bất ngờ nhận ra cậu bé mà anh gặp 5 năm trước trong những lần làm từ thiện ở một trung tâm bảo trợ trẻ em và người già. Cậu bé thường ngồi riêng một góc quan sát mỗi khi anh đến, ít nói chuyện với mọi người, cậu bé nhút nhát giờ đã là 1 thanh niên...

“Nếu là tỷ phú anh sẽ làm gì?…


(Câu hỏi làm tôi lúng túng, trong đầu tôi chợt lóe lên vài ý nghĩ về sự hưởng thụ, nhà cửa, xe hơi, những chuyến du lịch khắp thế giới…)


Khi thực sự giàu có, tôi sẽ dành cả phần đời còn lại để làm từ thiện…” – Lý Minh Tuấn nở nụ cười hiền lành khi nói về ước nguyện lớn nhất của mình.



Tình cờ gặp Lý Minh Tuấn trong một lần thăm các cháu nhỏ được cưu mang ở chùa Bồ Đề, hình ảnh của anh trong tôi lúc đấy là một người đàn ông nhỏ bé nhưng lúc nào cũng toát lên vẻ tràn đầy năng lượng. Hai tay anh xách hai bao lớn nào trái cây, bánh kẹo, nào đồ chơi.. vừa đi vừa nói chuyện với mọi người. Nhìn anh cười rạng rỡ tưởng như anh đang chở cả niềm vui vô tận đến cho trẻ thơ. Tự tay anh múc từng bát chè mình nấu đưa cho các cháu, “Tội tụi nhỏ ghê, cơm ngày hai bữa còn không đủ no chứ có bao giờ biết đến chè cháo gì đâu.” - Vừa nói, anh vừa đưa tay thấm những giọt mồ hôi lăn trên trán mà không biết áo anh đã ướt đẫm tự bao giờ. Ấn tượng từ lần đầu gặp, tôi đã có cơ hội được trò chuyện với anh nhiều hơn, hiểu anh hơn và giờ thì chúng tôi đã là những người bạn thân thiết.


Lý Minh Tuấn sinh ra ở Kiên Giang, thời gian đầu tự thân anh lập nghiệp ở mảnh đất quê hương với nhiều ngành nghề, sau đó anh mở rộng kinh doanh ở Sài Gòn với thế mạnh về lĩnh vực trang điểm và thiết kế thời trang. Nhưng cuối cùng, anh lại chọn Hà Nội để phát triển bản thân và tiến những bước dài trong sự nghiệp. "Âu cũng là cái duyên thôi, thời gian đầu thì vất vả nơi đất khách quê người lắm, phải làm quen với mọi thứ, nhưng càng sống, càng tìm hiểu về mảnh đất thủ đô lại thấy gắn bó và không thể rời xa." - Lý Minh Tuấn tâm sự.



Ở Hà Nội, anh tiếp tục phát triển không ngừng sở trường của bản thân kết hợp với công việc kinh doanh. Hiện tại anh đang là nhà thiết kế thời trang, chuyên gia trang điểm đồng thời là Viện trưởng viện Nghệ thuật trang điểm Việt Nam – Chức danh anh vừa được Hiệp hội thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật Việt Nam trao cho sau nhiều năm cống hiến và tạo dựng được hình ảnh tốt trong lĩnh vực trang điểm. Đây là hoài bão ấp ủ từ khi bắt đầu công tác đào tạo của anh nhiều năm trước, Lý Minh Tuấn chia sẻ: “Lâu nay người ta vẫn coi trang điểm không phải là một nghề rõ ràng, hay như một thứ nghệ thuật hào nhoáng không thực tế nhưng ở nước ngoài, họ cọi đó là một nghề làm đẹp – một bộ môn nghệ thuật được nghiên cứu nghiêm túc và vai trò của người trang điểm rất quan trọng trong các hoạt động hàng ngày. Ở Việt Nam, những năm gần đây nghề trang điểm bắt đầu phát triển, theo đó cũng nở rộ các trung tâm dạy nghề bởi nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng. Nhưng đó đều là các hoạt động tự phát, không thực sự chuyên nghiệp, tôi muốn tất cả phải được đồng bộ và có quy chuẩn rõ ràng, trước là mạnh ai nấy làm thì bây giờ anh em trong nghề phải chung tay để phát triển và nâng tầm trang điểm Việt Nam.” Mong muốn của anh là sau mỗi khóa học, anh được trao cho học trò tấm bằng hay chứng chỉ hành nghề được nhà nước công nhận, từ đó các em có thể tự tin với cái nghề mình chọn để trang trải được cuộc sống.


Mỗi năm qua đi, không biết bao nhiêu thế hệ học trò của anh đến rồi lại rời xa, mỗi người một nơi nhưng cứ đến ngày 20-11, tất cả dường như đều hướng về người thầy Lý Minh Tuấn thân yêu của mình. Những dịp như thế, anh bồi hồi nhớ lại từng khóa mình giảng dạy, kỉ niệm ùa về, vui có, buồn có, nhưng có một câu chuyện về người học trò mà anh không thể quên. Đó là một ngày hè mưa rả rích, bầu trời vốn đã u ám lại càng thêm tối tăm khi buổi chiều tàn dần, anh đứng trong nhà nhìn ra ngoài, phía bên kia đường có một người thanh niên mặc chiếc áo mưa rúm ró đứng tần ngần, mũ trùm kín đầu, thỉnh thoảng lại đưa tay lên vuốt nước mưa trên mặt, kiểu như nửa muốn làm gì đó, nửa lại thôi. Một lúc sau, anh chuẩn bị đóng cửa thì người thanh niên tiến lại gần, đứng trước sân. Anh thấy lạ, nhìn một lúc rồi nói: “Cậu hỏi ai?” Người này im lặng, ánh mắt ngước lên rồi lại nhìn xuống… “Cậu cần gì?” – Anh hỏi tiếp. “Thưa… thưa thầy” – Anh chàng bối rối – “Em muốn… được theo học thầy”… Từ trước tới giờ, không phải ai anh cũng nhận làm học trò, phải thực sự yêu nghề và có tâm, cộng với chút năng khiếu, anh mới nhận. Nhưng nhìn người thanh niên này, chợt thấy động lòng và nghĩ có lẽ đây là trường hợp ngoại lệ: “Em vào đây cho đỡ lạnh rồi nói chuyện.” “Nhưng... thưa thầy” – Anh chàng lại ấp úng: “Em… không có tiền học, xin thầy hãy nhận em, em hứa sẽ trả ngay khi có.” - “Cứ vào đây đã, sao đứng ngoài kỳ cục vậy?” – “Không đâu, thầy nhận thì em mới vào”.



Câu chuyện bắt đầu từ đó về người học trò đặc biệt, khi bước vào nhà và bỏ chiếc áo mưa ra, Lý Minh Tuấn bất ngờ nhận ra cậu bé mà anh gặp 5 năm trước trong những lần làm từ thiện ở một trung tâm bảo trợ trẻ em và người già. Cậu bé thường ngồi riêng một góc quan sát mỗi khi anh đến, ít nói chuyện với mọi người, cậu bé nhút nhát giờ đã là 1 thanh niên, cậu phải tự lo cho cuộc sống khi vừa tròn 18 tuổi, trung tâm cậu ở trước kia chỉ đủ lo được cho những em nhỏ và người già yếu. Từ hôm đó, không chỉ dạy học miễn phí, anh còn lo cho chỗ ăn ở và quyết định truyền hết mọi kỹ năng mình biết về trang điểm và thời trang cho cậu học trò. Và anh chàng đã không phụ lòng thầy, 1 năm, 2 năm, cậu học trò bỡ ngỡ ngày nào giờ đã vững tay nghề, có thể giúp thầy làm mọi việc mỗi khi anh đi công tác xa, một trong những học trò xuất sắc nhất mà anh từng dạy dỗ. Sau một thời gian dài như thế, bỗng nhiên một hôm, người học trò chăm chỉ hàng ngày không xuất hiện nữa, anh chàng biến mất mà không nói một lời nào. Anh thực sự buồn và trăn trở suốt tháng trời.


Một năm trôi qua, anh vẫn tiếp tục với công việc của mình, vừa kinh doanh vừa đào tạo các lứa học trò mới, thỉnh thoảng vẫn tìm cách liên lạc với cậu học trò cũ. Một sáng sớm thức dậy, anh mở cửa đón ánh bình minh ngày mới, bất chợt anh bàng hoàng khi nhìn sang bên kia đường. Vẫn ở vị trí ấy, vẫn dáng đứng ấy, nhưng không phải là cậu bé trong chiếc áo mưa rúm ró nữa, mà là một thanh niên rắn rỏi trong bộ vest lịch lãm. Vừa bất ngờ, vui sướng, vừa tức giận, anh không nói được lời nào. Cậu học trò tiến đến: “Em xin lỗi thầy… Em đã bỏ đi để đến nhiều nơi làm việc và tham gia tất cả các cuộc thi trang điểm lớn nhỏ với tâm huyết thầy đã truyền cho em… Nhưng không phải vì em… Em muốn báo đáp công ơn thầy, thầy quá vất vả mà chưa bao giờ sung túc… Em vẫn muốn được theo thầy nhưng cứ như thế không biết bao giờ mới báo đáp công ơn thầy… Xin thầy hãy nhận học phí cửa em như em đã hứa và tiếp tục cho em theo giúp thầy.” Cậu học trò hai tay đưa cho anh một chiếc hộp, trong đó là năm trăm triệu mà cậu đã tích góp trong một năm làm việc cùng với tiền thưởng từ những cuộc thi khắp cả nước. Cậu nói vừa xin nghỉ việc với vai trò là giám đốc hình ảnh của một thương hiệu mỹ phẩm lớn. Lúc này, nhìn học trò của mình đã thực sự trưởng thành và giỏi giang trong nghề, anh không còn giận nữa, thấy tự hào xen lẫn thương học trò vì mình mà vất vả. Số tiền ấy anh nhất quyết không nhận và khuyên học trò hãy mở một cửa hàng để lo cho cuộc sống bản thân. Về sau, hai thầy trò lại trở thành đồng nghiệp, “Thầy kém quá, vẫn cặm cụi dạy nghề và kiếm từng đồng, trong khi học trò đã là doanh nhân thành đạt” – anh cười đùa mỗi khi hai người gặp nhau.


Hết mình vì người khác, lúc nào cũng lo cho học trò, rảnh một cái là chăm chăm đi chùa chiền, các trung tâm bảo trợ để làm từ thiện, được hỏi han người già, chăm sóc các cháu nhỏ, Lý Minh Tuấn gần như chẳng bao giờ có ý định lo bản thân có cuộc sống đầy đủ, điều mà nhiều người thường làm trước. Làm lụng dư dả được bao nhiêu, anh luôn dành dụm một phần tiền trong đó để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Không ít người đã chủ động liên hệ để tài trợ cho công việc kinh doanh của anh, họ muốn giúp anh làm một thương hiệu lớn nhưng anh luôn từ chối. Anh vốn hay cho đi, vậy mà khi nhận của ai cái gì cảm thấy rất khó khăn, “Nhiều người sẵn sàng hỗ trợ mà không đòi hỏi hay hoàn trả gì, nhưng mình cầm tiền của người ta rồi, đâu thể yên tâm mà ngồi được, cũng phải trả cho người ta cái gì khác chứ, rồi mình sẽ áp lực, chưa chắc đã làm tốt được việc. Vậy cứ của mình có bao nhiêu hưởng bấy nhiêu thôi.” – Anh tâm sự rồi cười khà khà trách mình không có gan làm giàu, vậy mà lúc nào cũng ước là tỷ phú để làm từ thiện. Với anh, mỗi chuyến đi như thế khiến anh cảm thấy nhẹ nhõm khi mang đến nụ cười cho người khác.


Giờ đây, với trọng trách mới là Viện trưởng của viện Nghệ thuật trang điểm Việt Nam, anh càng quyết tâm và nhiệt huyết hơn với nghề, bởi đây là cơ hội để anh thực hiện điều mong mỏi của một người thầy, một người ham làm từ thiện. Anh muốn xã hội công nhận trang điểm như một nghề chân chính và chuyên nghiệp, từ đó có thể đào tạo và cấp chứng chỉ nghề cho những em nhỏ, những người vô gia cư, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng. Anh quan niệm: Yêu thương nhiều hơn, cho đi nhiều hơn, cuộc sống sẽ luôn tốt hơn. Một người anh giản dị và dễ mến, chắc cả đời anh sẽ chẳng thể làm tỷ phú được, nhưng tôi nghĩ anh đã là tỷ phú của lòng nhân ái.