04:13 10/04/2017

'Cát tặc' ngang nhiên khai thác trên sông Cái, Khánh Hòa

Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cái, tỉnh Khánh Hòa diễn ra rầm rộ và công khai, khiến người dân địa phương rất bức xúc. Trong khi đó, chính quyền địa phương cho rằng khó có thể xử lý dứt điểm được vấn nạn này.

"Cát tặc" hoành hành

Theo người dân địa phương, từ đầu tháng 4/2017 đến nay, “cát tặc” hoành hành trên sông Cái đoạn qua huyện Diên Khánh cả ngày lẫn đêm. Bởi hiện nay, thời tiết ở Khánh Hòa đã vào mùa khô, thuận lợi cho việc xây dựng nhà cửa và các công trình khác. Vì vậy, nhu cầu cát sông phục vụ cho xây dựng đang trong tình trạng “cung không đủ cầu”…

Những ngày này, đoạn sông Cái qua thôn Hạ, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, hàng chục chiếc ghe hút cát trái phép hoạt động rất nhộn nhịp và liên tục từ sáng sớm cho đến chiều tối, khiến người dân địa phương rất bức xúc.

Bờ sông Cái bị sạt lở do khai thác cát đã khiến gia đình bà Nguyễn Thị Gon, 60 tuổi, mất đất sản xuất. Bà Gon cũng lo lắng khi căn nhà chỉ còn cách bờ sông Cái 10 mét, thay vì vài chục mét như trước đây.

4 chiếc ghe ngang nhiên hút cát trên sông Cái, đoạn gần xã Diên Phước. (nguồn ảnh: baokhanhhoa.com.vn)

Bà Gon bức xúc nói: Tình trạng hút cát diễn ra cả ngày lẫn đêm khiến dãy tre bảo vệ bờ sông Cái đã bị đổ ngã. Sau đó, bờ sông này bị sạt lở khiến gia đình bà mất đất sản xuất và đang dần ảnh hưởng đến căn nhà của bà. Bà đề nghị chính quyền cần sớm nghiêm cấm tình trạng này, đồng thời xây dựng bờ kè để đảm bảo an toàn cho người dân.

Chị Phan Thị Thơ Vinh, 35 tuổi, thôn Hạ, xã Diên Lâm cho hay, mỗi khi trời mưa, người dân ở đây không ngủ được vì sợ đất ở ven sông Cái sạt lở. Người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền giải quyết nạn khai thác cát trái phép nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Theo đánh giá của UBND huyện Diên Khánh, nguồn cát ở địa phương đang dần khan hiếm, nguồn lợi thu được từ khai thác cát trái phép rất cao. Mặc dù lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra nhưng các đối tượng khai thác cát trái phép vẫn cố tình đối phó, khai thác tập kết cát lén lút vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Các mặt bằng tập kết cát mặc dù đã tháo dỡ nhưng các đối tượng chờ cơ hội thuận tiện là khôi phục lại hoặc tạo mặt bằng mới, vì tập kết cát trái phép mang tính cơ động hơn so với hút cát thẳng lên xe tải.

Khó xử lý dứt điểm


Không chỉ tăng quy mô, thời gian khai thác cát trái phép trên sông Cái, các đối tượng thực hiện việc này còn thường xuyên “dằn mặt”, thậm chí là hành hung cán bộ khi tiến hành kiểm tra, xử lý.

Từ cuối năm 2016 đến tháng 4/2017, lực lượng chức năng xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang đã bắt được 12 ghe hút cát trái phép. Ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho biết: Vừa qua, 6 cán bộ xã khi đang khảo sát vị trí để trục vớt ghe hút cát trái phép trên sông Cái đã bị 10 đối tượng vây đánh, khiến một cán bộ xã bị thương. Công an thành phố Nha Trang đã triệu tập các đối tượng để làm rõ vụ việc.

Cũng theo ông Mỹ, công tác ngăn chặn “cát tặc” trên sông Cái gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng không chỉ tổ chức khai thác cát trái phép vào ban đêm mà còn cử người theo dõi cán bộ xã để nắm bắt tình hình nhằm để đối phó.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng bắt được ghe, bãi cát khai thác trái phép cũng không dễ xử lý. Muốn xử lý, lực lượng chức năng phải thuê xe tải vận chuyển ghe, cát trái phép về trụ sở của xã. Biết được điều này, các đối tượng khai thác cát trái phép đã “dằn mặt” các chủ xe tải, để họ không dám vận chuyển ghe, cát khi được cơ quan chức năng thuê. Trong khi đó, chính quyền địa phương chỉ được xử phạt đối tượng khai thác cát trái phép mức tối đa là 350.000 đồng.

Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diên Khánh cho biết, thời gian qua, các ban, ngành của tỉnh và địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cái nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm được. Nhiều phương án đã được lực lượng chức năng đưa ra nhưng khi áp dụng vào thực tế lại không khả thi.

UBND huyện Diên Khánh nhận định, tình trạng khai thác cát trái phép chỉ lắng dịu khi đội kiểm tra liên ngành, UBND các xã, thị trấn tập trung kiểm tra sau đó tái diễn trở lại...

Trong khi cơ quan chức năng còn loay hoay với việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cái, hệ lụy mà “cát tặc” để lại đang ngày càng nghiêm trọng, nhất là tình trạng sạt lở bờ sông này ảnh hưởng đến sinh kế và cuộc sống của hàng trăm hộ dân.

Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa phải dành hàng chục tỷ đồng để xây dựng kè bờ sông Cái tại những vị trí bị sạt lở nghiêm trọng như: kè bờ tại thôn Phước Lương thuộc xã Diên Thọ và kè chống sạt lở bờ Bắc thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh; kè bờ ở một số điểm thuộc các xã Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang...

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình, đề nghị Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng để làm kè bờ hữu sông Cái tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, khi điểm sạt lở này ảnh hưởng đến 150 nhà với 600 người dân; hỗ trợ 100 tỷ đồng để làm kè chống xói lở bờ sông Cái, đoạn qua các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, khi các điểm sạt lở ảnh hưởng đến hơn 250 căn nhà với 1.000 người dân.

Nguyên Lý (TTXVN)